Đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng thiết yếu
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tại cuộc họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu diễn ra chiều ngày 14/3.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, trước những biến động về giá một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, thời gian qua, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Qua 2 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình và có các giải pháp kịp thời về công tác điều hành giá.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng, từ đó tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung.
Dự báo, trong thời gian tới, công tác quản lý điều hành giá còn nhiều khó khăn, xăng dầu tăng giá tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ khiến các doanh nghiệp vận tải đang tính toán tăng giá cước; giá thép xây dựng tại thị trường trong nước có thể tiếp tục tăng do chi phí nguyên vật liệu, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng khi các công trình trọng điểm được đẩy nhanh triển khai; giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp chính tiếp tục tăng do hạn chế nguồn cung...
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu. Đồng thời, tăng cường tổ chức rà soát, kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết...
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá; niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số kiến nghị đối với công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: khí đốt; xi măng; thịt lợn; phân bón u rê; gạo; giá dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giá vật tư, trang thiết bị y tế...
Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá khi đến thời điểm hiện tại, cơ bản chúng ta kiểm soát được giá.
Phó Thủ tướng cho biết, theo đề xuất của liên Bộ Tài chính - Công thương, Chính phủ đã thông qua nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu. Nếu được thông qua, việc điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới sẽ được thực hiện từ 1/4/2022.
"Các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể, thiết yếu. Không để xảy ra tình trạng nguồn cung không thiếu, nhưng cung cấp hàng hóa ra thị trường không kịp thời, dẫn đến giá cả biến động, dư luận phản ứng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá. Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước, các địa phương quản lý địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao để quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, khí đốt; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường...
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường...