Đảm bảo tính khả thi của chính sách thuế ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, hệ thống chính sách thuế Việt Nam đã được hoàn thiện dần với gần như đầy đủ các sắc thuế và đã đạt các kết quả khả quan. Cơ chế quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế và các nội dung quản lý hành chính về thuế được đổi mới, góp phần nâng cao tính khả thi của chính sách thuế. Tuy nhiên, hệ thống chính sách thuế của Việt Nam cũng như công tác quản lý hành chính thuế vẫn cần triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp để ngày càng nâng cao hiệu quả thực thi của chính sách thuế.
Tính khả thi và tiêu thức đánh giá tính khả thi của chính sách thuế
Tính khả thi được hiểu một cách chung nhất là khả năng có thể thực hiện được hay khả năng mang lại thành công của một vấn đề nào đó. Tính khả thi của chính sách thuế theo nghĩa hẹp là khả năng các quy định trong các văn bản pháp luật thuế có thể thực hiện được trong thực tế hay không. Còn theo nghĩa rộng, tính khả thi của chính sách thuế được xem xét trên các góc độ như các quy định trong các văn bản pháp luật thuế có hợp pháp, hợp lý hay không, có rõ ràng, minh bạch hay không, có khả năng thực hiện được hay không và có khả năng mang lại hiệu quả cao hay không...
Có thể thấy, tính khả thi này gắn liền với toàn bộ quá trình hoạch định, ban hành, thực thi và đánh giá chính sách thuế. Vì vậy, các tiêu thức đánh giá tính khả thi của chính sách thuế cũng được xem xét trên góc độ nội dung các văn bản quy định của chính sách, quá trình thực hiện chính sách và hiệu quả của chính sách trong đời sống kinh tế, xã hội. Cụ thể, tính khả thi được thể hiện ở các tiêu thức sau:
- Văn bản pháp luật quy định về chính sách thuế: Đó là các tiêu thức tính đúng đắn, rõ ràng trong xác định mục đích, yêu cầu của văn bản pháp luật thuế; tính hợp pháp, hợp lý; tính minh bạch; tính đồng bộ của các văn bản pháp luật về thuế. Nếu một văn bản pháp quy về thuế đáp ứng được các tiêu chí nêu trên, có nghĩa là văn bản đó đã đáp ứng được tính khả thi khi xem xét các nội dung quy định của một văn bản pháp luật.
- Khả năng thực hiện các chính sách pháp luật về thuế của người nộp thuế: Đó là các tiêu thức về gánh nặng thuế; về ảnh hưởng của việc tuân thủ thuế đến các quyết định hay hiệu quả sản xuất, kinh doanh của họ; thủ tục hành chính thuế; những khó khăn, vướng mắc…; Khả năng thực hiện các chính sách pháp luật về thuế của cơ quan quản lý thuế (về trách nhiệm, quyền hạn và các điều kiện để thực thi; chi phí hành chính trong quản lý thuế; hiệu quả quản lý thuế…) và khả năng thực hiện các chính sách pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Hiệu quả của việc thực thi chính sách: Đó là các kết quả đạt được do việc thực thi chính sách pháp luật thuế mang lại (số thu thuế từ các sắc thuế theo các quy định trong các văn bản pháp luật thuế; mức độ tuân thủ của người nộp thuế; những thay đổi hành vi mang chiều hướng tích cực cũng như tiêu cực và những gian lận của người nộp thuế trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về thuế; các thay đổi của các quá trình kinh tế, xã hội dưới tác động của việc thực thi chính sách pháp luật thuế…)
Bên cạnh đó, có một số tiêu thức khác cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả của việc thực thi chính sách pháp luật thuế như: mức độ trật tự và sự ổn định của các quan hệ xã hội; tình trạng pháp chế trong đời sống xã hội; hành vi và ý thức của các tổ chức và cá nhân tham gia các quan hệ xã hội…
Các yếu tố ảnh hưởng đến tính khả thi của chính sách thuế
Những yếu tố cơ bản nhất ảnh hưởng đến tính khả thi của chính sách thuế cần phải được xem xét đến bao gồm:
- Quá trình khảo sát, xây dựng chính sách pháp luật thuế: Nếu quá trình này được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng quy trình, đủ cơ sở dữ liệu cần thiết thì văn bản pháp luật sẽ đảm bảo được các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý, đồng bộ và có tính khả thi cao và ngược lại.
- Trình độ dân trí, mức độ quan tâm và ý thức tuân thủ của xã hội: Yếu tố này ảnh hưởng đến tính khả thi của chính sách thuế không chỉ trong khâu nghiên cứu, ban hành mà còn trong cả quá trình triển khai, thực hiện chính sách và quá trình đánh giá, tổng kết chính sách.
- Phạm vi điều chỉnh của chính sách thuế: Nếu chính sách thuế có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp thì sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến tính khả thi của chính sách thuế. Còn nếu chính sách thuế có phạm vi điều chỉnh hẹp, đơn giản thì khả năng thực hiện sẽ dễ dàng hơn và có tính khả thi cao hơn.
- Mức độ điều tiết của chính sách thuế: Một sắc thuế có mức động viên cao, ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của các chủ thể nộp thuế thì tính khả thi sẽ không cao do ý thức tuân thủ của họ sẽ bị giảm sút. Ngược lại, một sắc thuế có mức động viên thấp, số thu không nhiều trong khi các chi phí cần thiết phải bỏ ra để đảm bảo quá trình thực hiện chính sách thuế này của cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế và các đối tượng khác có liên quan lại không nhỏ thì chính sách thuế đó cũng không có tính khả thi.
- Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế: Công tác quản lý thuế có hiệu lực, hiệu quả cao sẽ giúp cho chính sách thuế được thực thi tốt, phát huy được tính khả thi và tính hiệu quả của chính sách thuế. Ngược lại, hoạt động quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế không hiệu quả thì tính khả thi cũng như hiệu quả của chính sách thuế sẽ không được đáp ứng.
Giải pháp đảm bảo tính khả thi của chính sách thuế
Trong quá trình khảo sát, tìm hiểu, việc xây dựng các văn bản pháp luật về thuế cần tập trung vào các nội dung sau:
- Phải xác định mục tiêu chính yếu của chính sách thuế quy định trong văn bản pháp luật là gì. Trong trường hợp một văn bản pháp luật quy định về chính sách thuế có chứa đựng nhiều mục tiêu khác nhau, cần phải xác định rõ mức độ cần đạt được của từng mục tiêu trong từng điều kiện và thời gian cụ thể để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định phù hợp.
- Phải xác định những yêu cầu đặt ra cho việc hoạch định chính sách, xây dựng văn bản pháp luật, triển khai thực hiện văn bản pháp luật quy định về chính sách thuế.
- Phải làm rõ mức độ khả thi và hiệu quả đạt được của các văn bản pháp luật về thuế đã ban hành trước đó liên quan đến phạm vi và nội dung điều chỉnh của văn bản pháp luật đang nghiên cứu. Từ đó, đánh giá đúng thực trạng các quy định pháp luật thuế đã ban hành và thực hiện, thấy rõ những ưu điểm cần được kế thừa phát triển, những khiếm khuyết cần khắc phục, những yêu cầu mới cần đáp ứng. Quá trình này cũng là cơ sở để việc ban hành văn bản pháp luật mới đảm bảo được tính hợp lý, khả thi.
- Phải xem xét, rà soát, đánh giá tất cả các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp, hợp lý, đồng bộ và minh bạch của các quy định trong văn bản pháp luật thuế. Đó là thẩm quyền và quy trình ban hành; sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp; sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của các ngành kinh tế, vùng kinh tế cũng như truyền thống, tập quán; sự đồng bộ, nhất quán, rõ ràng, chặt chẽ, logic của các quy định trong chính sách thuế cũng như sự đồng bộ với các văn bản pháp luật khác liên quan…
Trong quá trình xem xét, ban hành chính sách thuế cũng như trong quá trình triển khai thực hiện, đánh giá chính sách thuế, cần phải thực hiện các nội dung công việc sau:
- Khảo sát, đánh giá và xác định số thu ngân sách nhà nước mang lại từ chính sách thuế là bao nhiêu? Tác động của số thu này trong tổng thu ngân sách nhà nước, đối với nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể kinh tế cũng như các hành vi tiêu dùng của xã hội như thế nào…
- Thực hiện khảo sát, đánh giá một cách toàn diện, cụ thể gánh nặng thuế mà người nộp thuế phải tuân thủ xem có phù hợp với khả năng nộp thuế, điều kiện, hoàn cảnh sản xuất, kinh doanh của họ hay không? Việc họ chấp hành tốt nghĩa vụ thuế với gánh nặng thuế theo quy định có ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định hay hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các thủ tục hành chính thuế họ phải tuân thủ từ việc tổ chức hạch toán, kế toán, hóa đơn, chứng từ, kê khai, tính thuế, nộp thuế, miễn, giảm thuế và giải quyết các thủ tục hành chính về thuế khác có thuận lợi cho họ thực hiện hay không? Những khó khăn, vướng mắc nảy sinh là gì?…
- Xem xét, đánh giá về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế có được quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể và thống nhất trong các văn bản pháp luật không? Các trách nhiệm cũng như nội dung công việc mà cơ quan quản lý thuế phải đảm nhiệm có phù hợp với khả năng, trình độ nghiệp vụ, cơ sở vật chất của họ trong thực tế hay không? Những quyền hạn được giao cho cơ quan quản lý thuế có đảm bảo cho các cơ quan này triển khai thực hiện được tốt các văn bản pháp luật về thuế hay không? Trong trường hợp cơ quan quản lý thuế không thực hiện được các nhiệm vụ của mình hoặc không đảm bảo được các quyền hạn của mình thì sẽ được xử lý như thế nào? Những chi phí hành chính mà cơ quan quản lý thuế phải chi ra phục vụ cho công tác quản lý thu thuế là bao nhiêu, có phù hợp với khả năng của họ hay không, có tương xứng với kết quả họ thu được hay không?
- Đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế đối với chính sách pháp luật thuế, những thay đổi hành vi mang chiều hướng tích cực cũng như theo chiều hướng tiêu cực và những gian lận của họ trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về thuế.
- Đánh giá các thay đổi của các quá trình kinh tế, xã hội dưới tác động của việc thực thi chính sách pháp luật thuế như tập quán sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; cơ cấu kinh tế theo ngành, vùng; cơ cấu đầu tư; cán cân xuất nhập khẩu…
Việc đánh giá này phải xem xét ngay từ khâu khảo sát, xây dựng các văn bản pháp luật, trong quá trình thực hiện chính sách cũng như tổng kết, đánh giá chính sách. Số thu và các tác động nói trên cũng được xem xét trong thời gian hiện tại, trong tương lai ngắn hạn cũng như lâu dài. Nếu có những điểm bất cập phát sinh, cần có sự bổ sung, sửa đổi kịp thời, đảm bảo tính hợp lý và bền vững của chính sách thuế cũng như số thu ngân sách nhà nước.
Ngoài các nội dung liên quan đến quá trình xây dựng, đánh giá chính sách thuế nói trên, để đảm bảo tính khả thi của chính sách này và tính bền vững của thu ngân sách nhà nước, cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp trong thực hiện chính sách, đảm bảo chính sách được thực thi và tuân thủ đầy đủ, chính xác và kịp thời nhất. Cụ thể:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thuế: Đảm bảo tất cả các nội dung quy định cũng như mục đích, ý nghĩa của chính sách thuế được xã hội nói chung, người nộp thuế nói riêng hiểu và có ý thức tuân thủ nghiêm túc.
- Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ, tư vấn thuế bao gồm hoạt động hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan thuế và hoạt động đại lý thuế: Giúp cho người nộp thuế hiểu biết rõ, kịp thời về chính sách thuế hiện hành của Nhà nước, hỗ trợ người nộp thuế từ khâu đăng ký, kê khai nộp thuế, lập sổ sách kế toán, chứng từ hóa đơn về thuế, tính toán mức thuế và các khoản thuế phải nộp… đồng thời, góp phần nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật, chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước của người nộp thuế, góp phần nâng cao tính khả thi của chính sách thuế.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật thuế nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế, đảm bảo chính sách thuế được tuân thủ nghiêm túc, hiệu quả nhất.
- Cải cách thủ tục hành chính về thuế, hoàn thiện các quy trình quản lý thuế đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hợp lý, công khai, minh bạch và chặt chẽ của hệ thống các thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, các quy trình quản lý thuế cũng phải được cải tiến, hoàn thiện để thực hiện tốt các thủ tục hành chính thuế đó.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý thuế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thuế, đảm bảo tổ chức bộ máy ngành Thuế phù hợp yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, đánh giá cán bộ, công chức; xây dựng và giáo dục được đội ngũ cán bộ, công chức thuế có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Ngành trong điều kiện nền kinh tế hội nhập và phát triển.