Dẫn đầu về tăng trưởng, song lao động ngành chế biến chế tạo lại giảm?
Cùng với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường lao động đang chứng kiến những chuyển dịch tích cực với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Quý II/2018, lao động trong khu vực công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 123.000 người, chỉ đứng sau khu vực nông lâm thuỷ sản với 179.000 người. Thực trạng này trái với xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo vào thời điểm kết thúc quý II. Theo đó khu vực này đã trở thành điểm sáng của cả nền kinh tế với mức tăng 13,02%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Thông tin trên vừa được công bố trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 18, quý II/2018, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), Tổng cục Thống kê công bố chiều 18/9.
Nếu như lao động trong ngành nông lâm thuỷ sản giảm là dấu hiệu đáng mừng, thì động thái tương tự trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo lại đặt ra lo ngại về việc chuyển dịch cơ cấu lao động không hẳn bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội lại nhận định, nếu so sánh với tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên rất nhanh; đồng thời giá trị gia tăng, đóng góp đối với nền kinh tế cũng tăng lên nhanh hơn, thì việc lao động giảm đi cho thấy các DN trong khu vực này đã có sự thay đổi áp dụng công nghệ, từ đó giảm lao động, tăng năng suất lao động.
Như vậy, cùng với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường lao động đang chứng kiến những chuyển dịch tích cực với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Ông Vinh cho biết, trong quý II vừa qua số người có việc làm tăng gần 30.000 người so với quý trước; và tăng gần 620.000 người co với quý II/2017. Đặc biệt số việc làm trong khu vực nông lâm thuỷ sản tiếp tục giảm với số lượng lớn nhất trong số các nhóm ngành, cho thấy sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu lao động. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành dịch vụ trong 6 tháng cũng đã góp phần gia tăng việc làm trong các ngành này.
Bên cạnh đó, bản tin cũng ghi nhận lao động hoạt động trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp trong cơ quan Nhà nước cũng giảm đi, cho thấy hiệu quả bước đầu của chính sách cải cách, sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, bức tranh thị trường lao động tích cực hơn nhờ môi trường kinh doanh cải thiện, số DN thành lập mới và hoạt động trở lại tăng, thúc đẩy số người có việc làm tăng lên và thay đổi cơ cấu thị trường lao động. Không chỉ quy mô của thị trường lao động tăng, nhóm lao động có trình độ cao đẳng, đại học cũng gia tăng nhanh hơn.
Ông Đào Quang Vinh nhận định, bức tranh lao động việc làm quý II khá sáng. Theo ông Vinh, các kết quả về tạo việc làm có độ trễ nhất định so với kết quả tăng trưởng. Do đó mặc dù tăng trưởng quý II thấp hơn quý I nhưng kết quả giải quyết việc làm thể hiện ở quý II lại cho thấy xu hướng tích cực khá rõ ràng. Các chỉ số tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở số người có việc làm tăng lên, thất nghiệp giảm; quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng so với cùng kỳ; lao động khu vực thành thị tăng cũng phản ánh chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm theo xu hướng đô thị hoá…
Ông Vinh bổ sung, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên ở mức khá cao là 76,55%, mặc dù giảm nhẹ so với quý I/2018, song cũng đã tăng so với cùng kỳ năm trước. So sánh các nước trong khu vực và bình quân chung thế giới thì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Việt Nam ở nhóm khá cao so với các nước khác.
Một chuyển dịch tích cực khác là trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng lên, thể hiện ở số người được đào tạo có trình độ, bằng cấp chứng chỉ tăng gần 270.000 người. Tỷ lệ người qua đào tạo tăng lên, đặc biệt nhóm đại học cao đẳng có số lượng tăng cao hơn các nhóm khác. Trong khi đó tỷ lệ lao động nhóm trung cấp giảm đi và nhóm sơ cấp tăng thấp hơn các nhóm khác.