Đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2014

PV.

(Tài chính) Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp khó lường, do cả nguyên nhân nội tại và các tác động từ bên ngoài... nhưng ngành Tài chính đã chủ động xây dựng và thực hiện nhiều cơ chế, giải pháp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thu – chi do Quốc hội giao, giải quyết được nhiều vướng mắc phát sinh, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Yêu cầu chi tiêu NSNN càng nhiều đồng nghĩa với nhiệm vụ của ngành Tài chính càng lớn. Nguồn ảnh: internet
Yêu cầu chi tiêu NSNN càng nhiều đồng nghĩa với nhiệm vụ của ngành Tài chính càng lớn. Nguồn ảnh: internet

I. Tình hình thu - chi NSNN:

1. Về thu NSNN:
thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 413,6 nghìn tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

- Thu nội địa: đạt 280,65 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2013. Ước tính có 11/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán (từ 50% dự toán trở lên); 3/14 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn 50% yêu cầu tiến độ dự toán (dưới 50% dự toán).

Ước tính có 44/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), 19/63 địa phương thu đạt dưới 50% dự toán. So với cùng kỳ năm 2013, có 49/63 địa phương thu cao hơn, 14 địa phương thu thấp hơn.

Kết quả thu đạt khá chủ yếu nhờ các yếu tố:

+ Chuyển biến tích cực của nền kinh tế, hoạt động của nhiều doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Trong 5 tháng đầu năm, có khoảng 31,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,7% về số doanh nghiệp, tăng 11% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013), nhất là trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, ô tô, dầu khí,... làm tăng nguồn thu ngân sách.

+ Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết tâm của các bộ, ngành và đặc biệt là của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho công tác thu NSNN.

+ Cơ quan Thuế, Hải quan đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN, tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế,...

- Thu từ dầu thô: đạt 54,4 nghìn tỷ đồng, bằng 63,9% dự toán (giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013 - Trong 6 tháng đầu năm 2013 đã phát sinh 5.454 tỷ đồng quản lý thu qua NSNN từ tiền lãi dầu được chia cho nước chủ nhà giai đoạn 2006-2011 theo Nghị quyết số 548/NQ-UBTVQH13 ngày 18/12/2012 của UBTV Quốc hội; không kể số thu này, thu dầu thô 6 tháng đầu năm 2014 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2013). Giá dầu bình quân 6 tháng đầu năm đạt khoảng 113 USD/thùng, tăng 15 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng thanh toán ước đạt 7,43 triệu tấn, bằng 51,9% kế hoạch.

- Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán, tăng 27% cùng kỳ năm 2013, trên cơ sở tổng số thu về xuất nhập khẩu đạt 116 nghìn tỷ đồng (51,8% dự toán), hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 39 nghìn tỷ đồng (55,7% dự toán).

2. Về chi NSNN: thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 492,4 nghìn tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán, tăng  8,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

- Chi ĐTPT: đạt 77,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47,7% dự toán. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB (vốn NSNN và vốn TPCP) đạt khá so với cùng kỳ năm 2013, trong đó vốn NSNN đã giải ngân đạt 47,5% dự toán (cùng kỳ đạt 44,4% dự toán), vốn đầu tư từ nguồn TPCP đạt khoảng 49,4% kế hoạch (cùng kỳ đạt 44,6% kế hoạch).

- Chi trả nợ: ước đạt 60,9 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.

- Chi thường xuyên: ước đạt 353,7 nghìn tỷ đồng, bằng 50,3% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi.

3. Về cân đối ngân sách: Bội chi NSNN 6 tháng đầu năm ước 78,8 nghìn tỷ đồng, bằng 35,2% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm. Số bội chi được bù đắp bằng vay trong nước và vay ngoài nước theo kế hoạch.

Đến hết ngày 30/6/2014 đã triển khai huy động được 196,5 nghìn tỷ đồng, bằng 60,6% yêu cầu huy động cả năm để bù đắp bội chi NSNN và cho ĐTPT.  Nhờ tình hình thị trường thuận lợi, kết hợp với việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm, nên kết quả huy động TPCP từ đầu năm đến nay nhìn chung khả quan (đạt 62,3% kế hoạch năm), với lãi suất tương đối ổn định; tỷ trọng TPCP kỳ hạn trên 5 năm trong tổng số phát hành đang từng bước tăng lên, tạo điều kiện cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực chi trả nợ trong ngắn hạn.

II. Đánh giá chung về công tác thực hiện dự toán thu, chi NSNN: 

- Công tác điều hành NSNN được triển khai thực hiện trên cơ sở quán triệt quan điểm chặt chẽ và tiết kiệm, trong đó: công tác quản lý thu NSNN được triển khai khẩn trương, quyết liệt; công tác quản lý chi NSNN được tăng cường, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; NSNN được điều hành chủ động, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán, yêu cầu đảm bảo nhiệm vụ QPAN và xử lý kịp thời các nhu cầu bảo đảm ASXH; công tác kiểm soát chi NSNN tiếp tục được chú trọng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

- Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thực hiện dự toán NSNN vẫn còn hạn chế, khó khăn cần khắc phục: (i) Công tác quản lý thu có nơi, có lúc còn chưa chặt chẽ; việc xử lý nợ đọng thuế tuy đã đạt một số kết quả tích cực, nhưng số nợ đọng vẫn còn lớn và tiếp tục phát sinh; vẫn còn tình trạng cố ý trốn tránh nghĩa vụ về thuế, gian lận thuế, buôn lậu, gian lận thương mại v.v..  (ii) Công tác phân bổ và giao dự toán có nơi còn chậm, vẫn còn tình trạng chưa phân bổ hết dự toán ngay từ đầu năm, hoặc bố trí vốn đầu tư cho các dự án chưa đủ điều kiện, phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao, chưa sát với khả năng triển khai thực hiện...

III. Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính

Một là, đã chủ động đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ NSNN năm 2014, trong đó có nhiều giải pháp về phát triển sản xuất - kinh doanh, qua đó tạo nguồn thu cho NSNN. Kết quả thực hiện NSNN trong 6 tháng đầu năm là khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên,  với diễn biến mới của tình hình, đòi hỏi phải tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, với những giải pháp xử lý phù hợp thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra, góp phần chủ động đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.  

Hai là, công tác theo dõi, chỉ đạo thực hiện các đề án, dự án nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách có nhiều tiến bộ, nhiều đề án lớn, quan trọng đã được tập trung chỉ đạo để hoàn thiện, ban hành trong thời gian ngắn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và đòi hỏi thực tế của xã hội.

Ba là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách. Từ đó, tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Bốn là, công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng, đã chủ động cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài chính, ngân sách, các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Qua đó, tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước.