Luật Quản lý thuế (sửa đổi):

Đáp ứng mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế


Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Bộ Tài chính xây dựng, gửi hồ sơ dự án Luật tới các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để xin ý kiến vào cuối năm 2017. Qua hơn một năm, Dự thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp và nhiều lần chỉnh sửa, đến nay Dự thảo Luật đã cơ bản hoàn thành để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã được Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu.
Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã được Ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu.

Đáp ứng nhu cầu, mong muốn thay đổi trong quản lý thuế của các doanh nghiệp

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Luật cho biết, xuất phát từ mục tiêu chống thất thu ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở rà soát, nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam, nước ngoài và điều ước quốc tế liên quan tới lĩnh vực quản lý thuế.

Qua hơn một năm lấy ý kiến, chỉnh sửa với tinh thần cầu thị, dự thảo đã bổ sung, sửa đổi nhiều chính sách nhằm đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Ông Tuấn chia sẻ, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã được ban soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Đồng tình với Tổ soạn thảo Luật, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), “Ban soạn thảo và Tổng cục Thuế rất cầu thị, cởi mở trong việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, các đối tượng tác động. Vì vậy, với cách làm cởi mở, công khai, minh bạch của ban soạn thảo sẽ đáp ứng được nhu cầu, mong muốn thay đổi trong quản lý thuế của các doanh nghiệp”.

Có thể thấy, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng công phu, tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp và nhiều lần chỉnh sửa nhất.

Đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tiếp tục được trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Nếu được Quốc hội khóa XIV thông qua, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 hoặc từ ngày 1/7/2020.

Theo đó, Dự thảo Luật đã rà soát, cụ thể hóa tối đa các nội dung; sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dự thảo Luật được bổ sung vào nội dung giải thích từ ngữ về cơ sở dữ liệu thương mại; các bên có quan hệ liên kết, giao dịch độc lập, giao dịch liên kết, và Công ty mẹ tối cao của tập đoàn; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.

Việc sửa Luật Quản lý thuế sẽ tác động nhiều tới doanh nghiệp, bởi vì xu hướng cải cách, tần suất kê khai, giao dịch điện tử, giấy tờ phối hợp với các cơ quan liên quan rất lớn. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật có những nội dung quy định quan trọng như việc thúc đẩy giao dịch điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử, kê khai và kế toán thuế… sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp.

Đối với cơ quan soạn thảo, việc sửa Luật Quản lý thuế là một bước tiến lớn và đã tiếp thu điều chỉnh những vấn đề mà thực tiễn phát sinh, chuyển động theo hướng phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ và phục vụ nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Hội thảo góp ý về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi và Nghị quyết xử lý nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách vào tháng 2/2019, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Tài chính, đã rà soát, tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của các chuyên gia, các nhà khoa học và các doanh nghiệp để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Cùng với đó, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với nhiều nội dung định hướng tiếp thu giải trình của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trình, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về tính cụ thể, tính thống nhất của Luật Quản lý thuế với Luật Hải quan, Luật Xử phạm vi phạm hành chính, Luật Khiếu nại, tố cáo; về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước; về hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp.

Gần đây nhất là vào tháng 3/2019, đánh giá về nội dung dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu cũng bày tỏ sự thống nhất cao về các nội dung bổ sung, chỉnh sửa trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Ông Chiểu cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý đáp ứng được yêu cầu mới về quản lý thuế, cơ bản khắc phục được tồn tại của Luật hiện hành.

Cụ thể như quy định sửa đổi, bổ sung về quyền của người nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, các bộ, ngành liên quan trong quản lý thuế; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế; bổ sung các quy định về chống chuyển giá...

Ông Chiểu cũng chỉ ra một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật đó là cho phép người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp, tự quyết toán và phải tự chịu trách nhiệm về số thuế phải nộp. Bên cạnh đó là nội dung cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra để xác định số thuế phải nộp theo quy định, không phân biệt quy mô doanh nghiệp.

Trong trường hợp giải thể, phá sản doanh nghiệp, người nộp thuế phải có trách nhiệm quyết toán, gửi cơ quan Thuế xác nhận.

Ngoài ra, quy định việc thực hiện cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế cũng góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người nộp thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý thuế và tăng cường công tác hậu kiểm. Đây là xu hướng chung của nhiều nước trong quản lý thuế hiện nay…

Những thay đổi được đề xuất chủ yếu tập trung vào việc đơn giản hoá quản lý thuế và tăng cường thanh tra thuế phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa ngành Thuế.