DATC: Nhìn lại một năm mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

PV.

(Tài chính) Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng 2013 vẫn tiếp tục là năm mang lại nhiều thành công cho hoạt động xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Những thành công của năm 2013 sẽ là động lực quan trọng, tạo niềm tin vững chắc cho Công ty bước vào năm 2014…

Tiếp tục chuyển biến tích cực

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, những vướng mắc và sự thiếu vắng cơ chế chính sách trong hoạt động mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) tiếp tục “đồng hành” cùng DATC trong năm qua. Khép lại một năm đầy nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoạt động kinh doanh của DATC được nhân lên bằng những kết quả khả quan.

Tổng doanh thu năm 2013 ước đạt 530 tỷ đồng, đạt 102% so với kế hoạch năm 2013, tăng 8% so với thực hiện năm 2012. Trong đó: Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ ước đạt 360 tỷ đồng, đạt 98% so với kế hoạch năm 2013, tăng gấp 1,85 lần so với thực hiện năm 2012; Doanh thu từ hoạt động xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận ước đạt 13,5 tỷ đồng, đạt 135% so với kế hoạch năm 2013; Doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác ước đạt 156,5 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch năm 2013, giảm 44% so với thực hiện năm 2012. Với kết quả trên đã mang lại lợi nhuận trước thuế năm 2013 cho Công ty khoảng 155 tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch năm 2013.

Thành công chung trên được tạo dựng từ nhiều lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của Công ty, trong đó nổi bật là hoạt động mua bán nợ. Năm 2013, Công ty đã ký được 11 hợp đồng mua bán nợ, giá trị các khoản nợ là 1.210 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 441,8 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 36,5 %), đạt 83% so với kế hoạch năm 2013, tăng gấp 1,8 lần so với thực hiện năm 2012. Doanh thu từ hoạt động mua bán nợ ước đạt 380 tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch năm 2013, tăng gấp 1,95 lần so với thực hiện năm 2012. Đồng thời với kết quả hoạt động mua bán nợ như trên, trong năm 2013, Công ty đã triển khai một số phương án mua bán nợ, tập trung đàm phán với các ngân hàng thương mại để mua nợ xấu, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN khách nợ, chủ yếu là các tập đoàn, tổng Công ty nhà nước, trước mắt, tập trung đàm phán mua nợ của các DN thuộc Tổng Công ty Tầu thủy Việt Nam – SBIC (các DN thuộc Vinashin trước đây) và các DN thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Đây là cơ sở tiền đề chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh năm 2014 và những năm tiếp theo.

Như vậy, lũy kế đến năm 2013, Công ty đã thực hiện tổng cộng 136 phương án mua bán nợ, với giá trị các khoản nợ theo mệnh giá sổ sách kế toán là 9.822,768 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2,900,383 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 29,5%). Đã thu hồi được 2.866,585 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi là 99%, trong đó: Thu bằng tiền và các hình thức thu khác là 2.174,259 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ thu hồi là 76% và chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại các 64 DN mà DATC tái cơ cấu là 692,326 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ là 24%).

Thông qua hoạt động mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, năm 2013 Công ty đã tái cơ cấu thành công được 9 DN khách nợ, bao gồm: Tái cơ cấu chuyển đổi 5 DNNN thành công ty cổ phần (trong đó có tái cơ cấu chuyển đổi Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam thành Công ty cổ phần - Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) và tái cơ cấu được 4 Công ty cổ phần có tiềm năng phát triển trên thị trường.

Tính đến thời điểm này, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 87 DN khách nợ, gồm 57 DN đã hoàn thành và 30 DN đang triển khai thực hiện, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán là 8.261,798 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.155,669 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 26%), đã thu hồi được 1.988,64 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi là 92,3% (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại  là 692,326 tỷ đồng). Cũng với đó, DATC đã triển khai thực hiện 36 phương án mua nợ để thu hồi nợ, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán là 1.139,106 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 332,576 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 29,2%), đã thu hồi được 379,726 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi đạt 114,2%. Mua tài sản để xử lý thu hồi nợ theo sổ sách kế toán là 82,333 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 76,233 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 92,6%),đã thu hồi được 105,646 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi đạt 138,6%. Mua nợ và tài sản theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán là 339,531 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 335,905 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 98,9%), đã thu hồi được 392,573 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi  đạt 117%.

Ngoài ra, với phương châm phát sinh đến đâu tiếp nhận đến đó, năm 2013, Công ty đã bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị khi cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước của 36 DN, với giá trị tiếp nhận là 54,372 tỷ đồng. Kết quả này đã đưa lũy kế đến năm 2013 trong bàn giao, tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN của 2446 DN, với trị giá đã ký tiếp nhận là trên 3.391,95 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, năm 2013, Công ty đã phối hợp với các cơ quan thẩm định giá và đấu giá tài sản tiến hành xử lý tài sản và thu hồi nợ tồn đọng loại trừ đã tiếp nhận của 64 DN, giá trị tiếp nhận đã xử lý khoảng 31,504 tỷ đồng, doanh thu (giá trị thực tế thu hồi) là 13,499 tỷ đồng, đạt 135% so với kế hoạch năm 2013.

Đặc biệt, năm 2013 dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn bị bao phủ nhiều khó khăn, nhưng DATC vẫn tạo ra được điểm sáng khác biệt. Đó là Công ty phát hành thành công trái phiếu trong nước và quốc tế để xử lý nợ nước ngoài và nợ trong nước của các DN thuộc Vinashin. Công ty đã phát hành và niêm yết thành công trái phiếu của DATC tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore với giá trị trái phiếu trên 626 triệu USD; cùng với đó phát hành thành công trái phiếu trong nước với số tiền là 3.574.720.700.000, đồng để xử lý 17,5 ngàn tỷ đồng của Vinashin nợ tại 19 tổ chức tín dụng trong nước.

Với kết quả trên, DATC tiếp tục được đứng trong top cao của 1.000 DN đóng thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2013. Ngoài ra, trong năm 2013, Công ty cổ phần Đường Kon Tum và Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là 02 DN được DATC tái cơ cấu thành công cũng được xếp hạng V-1000.  Năm 2013, DATC còn  vinh dự được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng Bảng vàng danh hiệu “Doanh nghiệp Văn hóa UNESCO năm 2013”.

Đây là giải thưởng cao quý của Ban Tổ chức ghi nhận những nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên DATC, tôn vinh những thành tích và sự đóng góp tích cực của DATC đối với nền kinh tế, đối với xã hội trong việc góp phần lành mạnh tình hình tài chính các DN và thúc đẩy tiến trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu các DNNN, là đơn vị điển hình thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Phát huy sức mạnh năm 2014

Với những kết quả trên đã tạo đà cho DATC vững vàng bước vào năm 2014 cùng các nhiệm vụ cao hơn. Năm 2014, DATC phấn đấu đạt tổng doanh thu khoảng 550 tỷ đồng, tăng 4-5% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu từ hoạt động mua bán nợ khoảng 420 tỷ đồng; doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận khoảng 6 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính và doanh thu khác khoảng 124 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt khoảng 165 tỷ đồng, tăng từ 6 – 7% so với thực hiện năm 2013.

Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ trên, DATC xác định, cần tiếp tục hoàn thành việc chuyển thành Công ty TNHH một thành viên Mua bán nợ Việt Nam. Tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu Công ty Mua bán nợ Việt Nam và thực hiện Đề án nâng cấp DATC thành Tổng công ty Mua bán nợ Việt Nam. Chủ động phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để hợp tác, hỗ trợ, tư vấn về cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu tại Việt Nam.

Trong hoạt động mua bán nợ, Công ty sẽ chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại và Công ty VAMC để đàm phán mua bán nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm tái cơ cấu DN, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trước mắt, tập trung vào mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu các DN thành viên thuộc Tổng công ty Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam (SBIC) và các DN khác… Rút ngắn thời gian đàm phán cũng như thời gian thẩm định, phê duyệt các phương án mua bán nợ. Thực hiện linh hoạt, đa dạng hóa các phương thức xử lý nợ như: Mua nợ, xử lý tài chính, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần để tái cơ cấu DN khách nợ; Mua nợ thu hồi nợ; Mua nợ để bán nợ; Xử lý bán tài sản đảm bảo nợ; Mua nợ đối trừ nợ; Tiếp nhận tài sản cấn trừ nợ; Thực hiện thu nợ có chiết khấu...

Phấn đấu năm 2014, tái cơ cấu thành công  được khoảng 10 – 15 DN khách nợ. Tiếp tục thực hiện phương châm phát sinh đến đâu tiếp nhận đến đó, đồng thời phối hợp với các công ty thẩm định giá và đấu giá tài sản để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản loại trừ đã tiếp nhận. Tập trung thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận thuộc nhóm 1 và tận thu nợ nhóm 2, đồng thời tích cực thu hồi nợ của các DN tự xử lý trước khi bàn giao cho DATC.

Bên cạnh các giải pháp, DATC cũng kiến nghị Bộ Tài chính sớm bổ nhiệm Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và kiểm soát viên Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Đồng thời, ban hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 79/2011/TT-BTC ngày 8/6/2011 về việc ban hành Điều lệ tổ chức, hoạt động và Quyết định số 2857/QĐ-BTC ngày 9/11/2012 về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Mua bán nợ Việt Nam cho phù hợp với tình hình hoạt động mua bán nợ xấu, tái cơ cấu DN khách nợ hiện nay.