DATC với 8 mục tiêu, nhiệm vụ phát triển

TS. Phạm Thị Vân Anh

Được nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước đánh giá là đơn vị dẫn đầu trên thị trường mua bán nợ Việt Nam, nhưng dường như Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vẫn chưa hài lòng với vị thế này. Các mục tiêu, kế hoạch đặt ra trong tương lai cùng những hành động đang được DATC triển khai quyết liệt đã khẳng định điều đó...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2017, được xác định là năm bản lề, tạo điểm nhấn quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn 2016-2020 và tạo nền tảng cho những năm tiếp theo, do vậy thời gian qua, DATC đã vào cuộc triển khai nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu cho tương lai. Theo đó, 8 mục tiêu, nhiệm vụ đã được Công ty đề ra và quyết liệt thực hiện.

Thứ nhất, phấn đấu tăng 30% về doanh số mua nợ, tăng 20% doanh thu xử lý thu hồi nợ so với năm 2016. Theo đó, Công ty đã tăng cường quan hệ hợp tác với định chế tài chính khai thác nợ từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng; Đẩy mạnh mua nợ qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thông qua việc khai thác, nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp (DN), các ngân hàng, tổ chức tín dụng có nợ đã chuyển giao cho VAMC để có cơ sở làm việc với VAMC chuyển giao thông qua phương thức mua, bán nợ. Đồng thời, mua nợ theo chỉ định của Chính phủ, tham gia tái cơ cấu, xử lý nợ, xử lý tài chính các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn về tài chính khi thực hiện cổ phần hóa...

Bên cạnh đó, để tăng 20% doanh thu xử lý thu hồi nợ so với năm 2016, DATC rà soát, đánh giá từng phương án mua nợ đã và đang xử lý chưa xong, đánh giá khả năng thu hồi nợ, đề ra các giải pháp phù hợp để xử lý thu hồi. Đối với các phương án mua nợ mới tính toán thời gian thu hồi nợ không quá 5 năm, tuân thủ theo nguyên tắc hạn chế rủi ro, có hiệu quả và không trái quy định của pháp luật để tạo doanh thu.

Thứ hai, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ. Căn cứ vào kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để DATC nắm thông tin, chủ động tổ chức tiếp nhận và xử lý nợ và tài sản loại trừ với phương châm khi có phát sinh tổ chức tiếp nhận và triển khai xử lý ngay trong năm. Cùng với đó, công ty tập trung rà soát toàn bộ hồ sơ tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của các năm trước, phân loại nợ, tài sản mất mát thiếu hụt để xử lý hoàn tất hồ sơ đưa vào lưu trữ; Xây dựng kế hoạch cụ thể về số DN tiếp nhân; số DN xử lý tài sản/số DN đã tiếp nhận; giá trị thu hồi nợ/tổng giá trị nợ nhóm 1.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu DN. DATC tiếp tục đưa vào kế hoạch các DN chưa hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2016. Đồng thời, rà soát các phương án đang khảo sát năm 2016 và dự kiến mua nợ trong năm để đánh giá lựa chọn những DN đảm bảo tái cơ cấu có hiệu quả để đưa vào kế hoạch năm 2017. Cụ thể, tỷ lệ DN tái cơ cấu/DN mua nợ tối thiểu không thấp hơn 30% số phương án mua nợ và Công ty phải chiếm cổ phần chi phối hoặc là cổ đông có quyền phủ quyết khi chuyển nợ thành vốn góp tại các DN tái cơ cấu để tạo nguồn thu cho các năm tiếp theo.

Thứ tư, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Tài chính về công tác thoái vốn theo quy định tại điều lệ Công ty, đối với các DN trong kế hoạch thoái vốn nhưng chưa hoàn thành trong năm 2016, DATC có những giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2017. Đối với các DN chưa đến thời hạn thoái vốn nhưng có khả năng thoái vốn thì DATC cũng đã đưa vào kế hoạch thoái vốn trong năm 2017. Những DN có vốn góp trên thời hạn 5 năm nhưng vẫn có hiệu quả cao thì cân nhắc báo cáo Bộ Tài chính để chậm kế hoạch thoái vốn.

Thứ năm, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu tài chính. DATC luôn nỗ lực đảm bảo ổn định tài chính đáp ứng được nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành chế độ tài chính kế toán; thực hành chống lãng phí, tiết kiệm chi phí để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong kinh doanh. Các chỉ tiêu lợi nhuận, tổng thu-tổng chi kế hoạch năm 2017 được DATC đặt ra tăng từ 7% -10% so với thực hiện năm 2016. Bên cạnh đó, nghiên cứu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ vốn để mua lại trái phiếu quốc tế chính phủ, trái phiếu do DATC phát hành.

Thứ sáu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình, quy chế nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý, ổn định cho hoạt động của Công ty. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của Công ty là tập hung hoàn thành Đề án chiến lược kinh doanh của Công ty giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án nâng cấp Công ty thành Tổng công ty; Nghị định về cơ chế hoạt động của DATC; Thông tư về cơ chế tiền lương đặc thù DATC; các quy trình, Quy chế liên quan đến quản lý quỹ của Vinashine, Vinalines; Hoàn thành đưa vào triển khai các quy hình, quy chế quản trị nội bộ của Công ty. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi một số nội dung, cơ chế chính sách Công ty ban hành còn vướng mắc trong việc thực hiện.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác, đối ngoại; Duy trì và tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tiếp thu kinh nghiệm trong chiến lược phát triển Công ty về xử lý nợ, tài sản nhà nước và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư của các tổ chức quốc tế tham gia vào cải cách DN.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức đối tác trong nước như VAMC, các ngân hàng thương mại nhà nước để hợp tác trong xử lý nợ, cung cấp dịch vụ tài chính và hỗ trợ tái cơ cấu DN; Củng cố, đổi mới hệ thống thông tin dữ liệu bằng việc cập nhật kịp thời, thường xuyên trên website; Thực hiện công khai kết quả hoạt động của Công ty theo đúng quy định của pháp luật; Tổ chức cập nhật các thông tin từ báo chí, phương tiện truyền thông khác để có giải pháp phối hợp, xử lý, điều chỉnh kịp thời.

Thứ tám, hoàn thiện tổ chức lao động – tiền lương; Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp với Đề án nâng cấp DATC thành Tông công ty; Xây dựng kế hoạch lao động trên cơ sở định biên lại lao động gắn với chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị thuộc Công ty; Đánh giá, phân loại cán bộ qua quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó có kế hoạch quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ;

Xây dựng chương trình đào tạo trong và ngoài nước để đáp ứng với nhiệm vụ đặt ra; Ổn định tiền lương gắn với việc áp dụng thang bảng lương, chuyển xếp lương và không ngừng nâng cao thu nhập của người lao động; Đánh giá kết quả thực hiện khoán quỹ tiền lương gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ tại các chi nhánh, trung tâm để xây dựng cơ chế khoán quỹ tiền lương đối với từng đơn vị thuộc Công ty.