Dấu ấn vượt thu ngân sách tại Bắc Trung Bộ


Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động xấu đến tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, nhờ chủ động thực hiện linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, bảo đảm chuỗi sản xuất, dịch vụ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đều đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra, với con số thu ấn tượng gần 90.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu lô hàng tôn qua Cảng quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu lô hàng tôn qua Cảng quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Với kết quả thu ngân sách tăng gấp đôi so với năm 2020, vượt 20% so với năm 2021 và thực tiễn thu hút đầu tư, phát triển sản xuất hiện tại, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh hoàn toàn đủ cơ sở để tạo nên những đột phá mới trong tương lai gần.

Ấn tượng Thanh Hóa

Phó Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa Mai Đình Tú cho biết, uớc hết năm 2022, Thanh Hóa đạt tổng thu ngân sách gần 50 nghìn tỷ đồng so với tổng chi gần 40 nghìn tỷ đồng, tỉnh đã cân đối được thu- chi, có đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Theo niên giám thống kê, năm 2017, thu nội địa ở Thanh Hóa mới đạt gần 12.000 tỷ đồng, thu hải quan gần 1.849 tỷ đồng; năm 2020 đạt hơn 20.906 tỷ đồng, gần 10.680 tỷ đồng; năm 2021 đạt hơn 28.824 tỷ đồng và hơn 12.031 tỷ đồng. Tính từ năm 2012, thu nội địa ở Thanh Hóa tăng 6 lần; còn sau 5 năm, tổng thu ngân sách tăng 3 lần; sau 25 năm, tổng thu ngân sách ở Thanh Hóa tăng 100 lần.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi chia sẻ, để có được kết quả này, địa phương đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, chia khó với doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các ngành hướng về cơ sở, tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân đầu tư công. Theo đó, Thanh Hóa có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch; sản xuất nông, lâm thủy sản phát triển theo hướng tăng giá trị thu nhập trên cùng một héc-ta canh tác; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 16,31%; các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, trong đó du lịch phát triển mạnh.

Đồng thời, Thanh Hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm tất cả doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế trực tuyến, xuất hóa đơn điện tử, ngành thuế, hải quan tăng cường quản lý thuế, khai thác các nguồn thu ngân sách. Tổ chức đa dạng, linh hoạt các phương thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế, vận động nhân dân tự giác chấp hành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Ngành thuế giao chỉ tiêu thu ngân sách từng quý, thường xuyên tổ chức phong trào thi đua gối sóng, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao; đôn đốc các thành phần kinh tế thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, dần hình thành thói quen xuất, lấy hóa đơn thuế trong mua sắm, tiêu dùng, động viên doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh ở đâu, nộp thuế tại đó.

Cùng với Thanh Hóa, năm 2022, Nghệ An cũng có bước bứt phá trong thu ngân sách khi đây là năm đầu, số thu nội địa ở tỉnh vượt 20 nghìn tỷ đồng; ước thực hiện năm 2022, số thu nội địa trên địa bàn Nghệ An đạt khoảng 20.500 tỷ đồng. Trong đó, có 14/16 khoản thu đã hoàn thành và vượt dự toán, như thu thuế doanh nghiệp nhà nước Trung ương, địa phương; doanh nghiệp FDI; thu từ công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, thu nhập cá nhân; tiền sử dụng đất; lệ phí trước bạ; phí, lệ phí; thu khác ngân sách...

Nỗ lực vượt khó

Theo ghi nhận tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tổng phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Lý giải về nguyên nhân này, Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Lê Minh Đức cho biết: Năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước bạn Lào gặp nhiều khó khăn, tiền LAK (hay còn gọi là tiền kíp) giảm mạnh so với đồng USD.

Hiện nay, 1 kíp Lào có giá tương đương khoảng 1,4 VNĐ, giảm một nửa so với đầu năm 2022. Tiền kíp mất giá, trong khi tỷ giá USD tăng khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng chịu tác động mạnh mẽ. Ngoài ra, phía tỉnh Bôlykhămxay của Lào đang cấm các phương tiện không chở hàng hóa vào địa bàn nên nhiều doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu chọn đi vòng qua Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); quốc lộ 8A đang thi công, một số doanh nghiệp cũng chọn hoạt động qua cửa khẩu khác cho nên lượng phương tiện xuất, nhập cảnh qua Cầu Treo giảm.

Trước tình hình đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã chủ động cập nhật thông tin về chính sách các mặt hàng, tỷ giá hối đoái, các chính sách của nước bạn Lào về xuất nhập khẩu. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp ở tất cả các khâu: Thủ tục, thu thuế, kiểm tra giám sát, kiểm soát, quản lý rủi ro, chống buôn lậu, gian lận thương mại... để tăng thu ngân sách. Nhờ làm tốt công tác dự báo, phân tích và đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có số thu lớn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã đạt số thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay khi vượt 500 tỷ đồng.

Theo ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Hải quan tỉnh Hà Tĩnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn, tuy vậy năm 2022, Hải quan tỉnh Hà Tĩnh vẫn “vượt mốc” thu ngân sách và đạt mức 9.000 tỷ đồng. Để có được kết quả này, ngoài việc giao chỉ tiêu cho các đơn vị, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước năm 2022, nhất là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục, tổ chức bộ máy, hiện đại hóa hành chính, bảo đảm tạo thuận lợi cao nhất cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

Cùng với việc duy trì đối thoại hải quan - doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt coi trọng, tập trung nguồn lực phát triển logistics tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Nhờ đó, tính đến ngày 15/12/2022, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước được 19.258 tỷ đồng, bằng 175% so với chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao; trong đó, thu từ các mặt hàng nhập khẩu đạt 18.948 tỷ đồng, từ các mặt hàng xuất khẩu đạt 301 tỷ đồng.

Ước hết năm 2022, Hải quan tỉnh Thanh Hóa thu được 20.200 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tăng 58% so với năm 2021. Tổng thu tăng mạnh do giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao, bình quân 98 USD/thùng, tăng 33 USD/thùng so với dự toán. Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết hoạt động vượt công suất, tăng bốn chuyến tàu nhập dầu thô để bù đắp lượng xăng dầu thiếu hụt, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Với 36 chuyến tàu nhập dầu thô, thu ngân sách từ mặt hàng này đạt 16.920 tỷ đồng, vượt hơn 6.500 tỷ đồng so với dự toán. Thêm nữa, các chính sách thu hút, khuyến khích xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển ở Nghi Sơn, góp phần tăng thu 20% trong tổng thu hàng hóa xuất, nhập khẩu ở Thanh Hóa.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo các địa phương, mặc dù kết quả thu ngân sách trên địa bàn có bước bứt phá đáng kể, tuy nhiên phần đáng lo ngại là thu ngân sách từ đất khá cao, trong khi kết quả thu thuế, phí lại không đạt... Tại Nghệ An, kết quả thu ngân sách từ đất chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 35-40% so với tổng thu ngân sách nội địa.

Đặc biệt ở các huyện, thị xã, thành phố vùng đồng bằng, tỷ lệ này còn cao hơn khi không ít địa phương, tỷ lệ thu từ đất chiếm đến 50-60%. Do đó, việc thu ngân sách của Nghệ An dự kiến thời gian tới không ổn định, nhất là khi bất động sản đang có hiện tượng đóng băng, ít người mua bán, thậm chí cuối năm 2022 đã có hàng trăm trường hợp bỏ cọc sau đấu giá. Cùng với đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn sang năm 2023 không có đơn hàng, công nhân phải làm việc luân phiên do ảnh hưởng của kinh tế thế giới...

Đồng chí Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ, mặc dù kết quả thu ngân sách vượt kế hoạch, nhưng giá trị thu nội địa còn thấp, tổng thu thuế tăng nhưng kết quả thu thuế, phí lại không hoàn thành kế hoạch, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ đất còn cao. Trong khi sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, kết quả thu ngân sách chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các dự án sản xuất tại Khu kinh tế Vũng Áng, nhưng đến thời điểm hiện nay, sự cố tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 chưa được khắc phục, sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép và Hưng nghiệp Foromosa Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều khó khăn... nên bức tranh kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức và ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách của địa phương.

Vì vậy, việc đa dạng hóa thu hút đầu tư, tạo nhiều sản phẩm mới, đẩy mạnh phát triển toàn diện, đồng đều trên các lĩnh vực, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững là một trong những giải pháp căn cơ để nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Theo Ngô Tuấn, Thành Châu và Mai Luận/nhandan.vn