Mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong tăng trưởng tín dụng, cốt yếu vẫn là chất lượng. Kể cả khi con số tăng trưởng tín dụng không quá cao nhưng đó là dòng vốn thực chất, an toàn, chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì vẫn hiệu quả hơn.

Dự kiến trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%. Nguồn: Internet
Dự kiến trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%. Nguồn: Internet

Tại họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết dự kiến trong năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt khoảng 17%. 

Dựa vào chỉ tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng tổ chức tín dụng (TCTD), điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng thực chất

Khẳng định tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, song Phó Thống đốc cho rằng trong tăng trưởng tín dụng cốt yếu vẫn là chất lượng. “Trong năm 2018, dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán vẫn sẽ được NHNN điều hành kiểm soát chặt chẽ”, bà Hồng nói.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với sự hấp thụ của nền kinh tế. Hiện tại, sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế có chừng mực, nên quan trọng doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn đó vào mục đích gì, hiệu quả không.

Nhắc lại con số tăng trưởng tín dụng trong năm 2017, một chuyên gia cho rằng dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng đó là dòng vốn thực chất, an toàn, chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì vẫn hiệu quả hơn.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết tín dụng đã tăng đều trong suốt năm 2017, không dồn vào cuối năm như nhiều năm trước. Điều này cho thấy nền kinh tế đã có được những kết quả tích cực khi tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, chất lượng tốt hơn. Tín dụng chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ). 

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có mức tăng trưởng tín dụng khá mạnh, trên 23%; Tín dụng với công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%, Tín dụng cho lĩnh vực thương mại dịch vụ có mức tăng khá, tín dụng xuất khẩu cao hơn mức tăng trưởng năm trước, đạt 14,03%; Tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 11,53%; Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại.

Chất lượng tăng trưởng tín dụng cũng được NHNN xem là trọng tâm trong điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay. Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng.

Hầu hết các chuyên gia cảnh báo năm nay, lĩnh vực bất động sản và chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, vì vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ, tín dụng có thể tăng lên 19% nhưng nền kinh tế cũng không được hưởng lợi nhiều. Thậm chí, ngành ngân hàng sẽ hứng chịu nhiều rủi ro, còn các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chứng khoán lại hưởng lợi.

Tăng trưởng tín dụng giúp tăng lợi nhuận

Năm 2018, nhiều chuyên gia đánh giá với mục tiêu duy trì tín dụng tăng trưởng ổn định và an toàn, sau khi năm 2017 đạt ở mức 18,17%, cộng với nhu cầu vay tiêu dùng có thể tiếp tục tăng, các ngân hàng sẽ có cơ hội gia tăng tín dụng – yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận tăng mạnh trong năm qua.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo, Thống kê tiến hành vào tháng 12/2017 vừa được NHNN công bố cho thấy các ngân hàng khá tự tin và đặt nhiều kỳ vọng khởi sắc hơn trong năm 2018. 
Theo đó, có đến 92,6% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2017 với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân đạt 19,33%.

Các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng 4,74% trong quý I (tín dụng VND tăng 5,15%, tín dụng ngoại tệ tăng 0,51%) và kỳ vọng dư nợ tín dụng cả năm tăng 17,65% (VND tăng 17,71%, ngoại tệ tăng 7,39%). Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 4,46% trong quý I và tăng 16,66% trong cả năm. 

Kết quả trên cho thấy các TCTD khá lạc quan về triển vọng huy động vốn trong năm 2018.

Các TCTD cũng nhận định thanh khoản hệ thống ngân hàng thời điểm hiện tại tiếp tục ở trạng thái tốt đối với cả VND và ngoại tệ, và được kỳ vọng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong cả năm 2018.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,74% trong quý I (VND tăng 5,15%, ngoại tệ tăng 0,51%) và tăng 17,65% trong cả năm (VND tăng 17,71%, ngoại tệ tăng 7,39%).

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết các ngân hàng không dại gì đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, mà sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5 – 1%/năm).