Đâu là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á?

Theo Lan Anh (T/h), https://kinhtemoitruong.vn

Việt Nam đang đi đầu trong ASEAN với sự tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió những năm gần đây. Từ đó cho thế giới thấy được khả năng thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch, vì một nền kinh tế xanh.

Từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. (Ảnh: Shutterstock.com).
Từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. (Ảnh: Shutterstock.com).

Việt Nam đi đầu về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết, phần lớn tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm lượng phát thải khí nhà kính tại khu vực Đông Nam Á mới chỉ tập trung tại Việt Nam, tiếp sau đó là Thái Lan, bất chấp việc khu vực là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo nghiên cứu từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Với sự sẵn có của các nguồn năng lượng tái tạo trên khắp Đông Nam Á, công suất sản xuất điện tái tạo không dùng thủy điện trong khu vực đã tăng gần 5 lần kể từ năm 2011. Tuy nhiên, báo cáo của IPCC chỉ ra rằng hơn 50% mức tăng trưởng này là ở Việt Nam và 25% khác thuộc về Thái Lan.

Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600 MW.

Nếu chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam đã lắp đặt hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9,5 TWh năm 2020, tức là tăng gần 200%. Với mức tăng này của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại ASEAN, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã vượt xa các nước này trong việc khai thác điện mặt trời và điện gió.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Trong đó, bốn nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này. Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, ở Việt Nam.

Vì vậy, với mục tiêu thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành năng lượng xanh.

COP26 - Hướng đến tăng trưởng xanh

Đó là thông điệp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh. Từ đó, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tham gia các cam kết quốc tế về năng lượng xanh và phát triển bền vững.

“Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, với những cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 cũng như những ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn trên thế giới về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho mục tiêu tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng của các tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới; Tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi.

Việt Nam có tổ hợp năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á

Tổ hợp năng lượng tái tạo bao gồm trang trại điện gió và điện mặt trời có tổng diện tích 900 ha, với tổng sản lượng khai thác hằng năm lên tới 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm.

Dự án được xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Trung Nam đầu tư. Theo thống kê, Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về gió với 14 vùng, trên tổng diện tích khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, ở Ninh Thuận ít có bão và lượng gió đều đặn suốt 10 tháng/năm, bảo đảm cho tuabin gió phát điện ổn định.

Đến thời điểm hiện tại, đây được xem nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam. Nhà máy này kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW hình thành tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á. Ngoài ra, dự án còn góp phần đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.