Việt Nam lọt Top 10 nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thế giới

Theo Hà Lan (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Việt Nam đang đứng trong Top 10 (xếp thứ 8) các quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, đạt 7,4 tỷ USD.

Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.
Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Lọt Top 10 thế giới

Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là khi áp dụng điện mặt trời.

Trên thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, tạo ra 16.500MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.

Các chuyên gia thị trường dự đoán nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Bốn nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này.

Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, ở Việt Nam.

Báo cáo của IEA khẳng định, nhu cầu của cộng đồng về bảo vệ môi trường là động lực quan trọng thứ hai. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư và tài chính năng lượng tái tạo do có nhiều cơ hội về năng lượng xanh.

Xu thế phát triển tất yếu

Phát biểu tham luận tại Hội thảo “Thúc đẩy mạng lưới doanh nghiệp tiên phong hướng tới 100% năng lượng tái tạo” do VCCI/HCM phối hợp với WWF và GreenID tổ chức, ông Nguyễn Hữu Nam- Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiện Việt Nam- Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI/HCM) cho biết, theo các nhà nghiên cứu đánh giá, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2030 đạt bình quân khoảng 6,6%/năm, trong giai đoạn 2031-2045 bình quân khoảng 5,7%/năm. Việc tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đòi hỏi nguồn năng lượng cho sự tăng trưởng đó bằng nhu cầu điện năng cho phát triển tương đương khoảng từ 12-15%/năm.

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đưa ra mục tiêu về chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 3 trong ASEAN. Độ tin cậy cung cấp điện năng trong ASEAN, Việt Nam phấn đấu đứng thứ 4 trong ASEAN. Ông Nam đánh giá, đây là một mục tiêu, định hướng rất tham vọng của Việt Nam đối với chỉ tiêu tiếp cận điện năng.

Phó Giám đốc VCCI/HCM cho rằng, để đạt được những mục tiêu trên, bên cạnh nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch, chúng ta cũng định hướng mục tiêu sẽ phát triển năng lượng tái tạo. Dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm từ 15-20% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp. Đến năm 2045, dự kiến sẽ từ 25-30% năng lượng tái tạo trong tổng cung nguồn năng lượng sơ cấp.

Theo ông Nam, mục tiêu công suất lắp đặt, quy hoạch điện VII có điều chỉnh gồm năng lượng tái tạo, năng lượng than, năng lượng khí, năng lượng nhập khẩu, thủy điện, điện hạt nhân... Trong đó, năng lượng tái tạo sẽ tăng dần lên, còn năng lượng từ điện than vẫn duy trì đều khoảng 36%, từ 2017-2020; giai đoạn 2020-2025 tăng lên 49% và giảm về 42% giai đoạn 2025-2030.

“Bên cạnh đó, hiện nay các dự án năng lượng tái tạo đang hoạt động hoặc đang được phê duyệt trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời trải dài ở khu vực Nam Trung bộ. Đối với năng lượng sinh khối, đây là loại năng lượng chưa thực sự phát triển, hầu hết là các dự án nhỏ phân bổ ở khắp các vùng miền”, ông Nam đánh giá.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank) về môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2020, trong các tiêu chí mà World Bank đưa ra có tiêu chí thành lập doanh nghiệp, xin giấy phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng…

Riêng về tiếp cận điện năng, World Bank đánh giá, Việt Nam đứng thứ 27/190 nền kinh tế của thế giới, đạt 88,2 điểm, tăng 0,26 điểm so với năm trước.

Phó Giám đốc VCCI/HCM Nguyễn Hữu Nam cho biết, Việt Nam đang đứng trong Top 10 (xếp thứ 8) các quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, đạt 7,4 tỷ USD.

Trong khi đó, Pháp và Đức là 7,3 và 7,1 tỉ USD. Với mức đầu tư này, Việt Nam đã vượt qua 2 cường quốc về kinh tế lớn của thế giới trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, việc chuyển hướng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo hay năng lượng xanh là một xu thế tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Việc chuyển đổi năng lượng này sẽ làm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

“Chúng ta đang nói về kinh tế tuần hoàn, mà năng lượng sinh khối là một trong những yếu tố để phát triển kinh tế tuần hoàn. Phát triển nguồn năng lượng này, chúng ta có thể tận dụng tất cả các loại tài nguyên.

Nguồn tài nguyên từ rác thải của ngành này sẽ là nguồn tài nguyên, một nguồn năng lượng cho ngành tiếp theo. Do đó, chúng ta cũng cần phát triển nguồn năng lượng sinh khối này. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này không hẳn là năng lượng xanh tuyệt đối như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió”, ông Nam chia sẻ.

Còn nhiều "nút thắt" cần được tháo gỡ

Mặc dù hiện nay, năng lượng tái tạo đang được khuyến khích đầu tư phát triển để dần thay thế nguồn năng lượng điện than. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến việc phát triển năng lượng tái tạo chưa được thông suốt.

Ông Nam chỉ ra 3 nút thắt đối với việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam nhìn từ góc độ của Eurocham. Cụ thể, thiếu khung chính sách và năng lực thực thi; biểu giá điện thấp, có trợ giá và không có lộ trình ứng phó với biến động biểu giá điện trong tương lai; thiếu cơ chế tài chính đối với hoạt động đầu tư vào công nghệ hiệu quả về năng lượng và tiết kiệm năng lượng.

Từ những nút thắt trên, ông Nam đưa ra 7 khuyến nghị cho việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: 

Thứ nhất, Nhà nước cần tách bạch chức năng kinh doanh với chức năng quản lý Nhà nước về điện;

Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư, nâng cấp lưới điện truyền tải một cách đồng bộ, phù hợp để có thể tiếp nhận, truyền tải điện mặt trời, điện gió, tránh lãng phí điện không thể truyền tải vì lưới điện.

Thứ ba, tạo môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và lâu dài, đặc biệt là dễ tiên liệu để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo với quy mô lớn và lâu dài;

Thứ tư, khuyến khích các nhà đầu tư ngoài quốc doanh đầu tư vào lưới điện thông minh để đảm bảo sử dụng điện năng hiệu quả, tiết kiệm;

Thứ năm, xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định;

Thứ sáu, xây dựng cơ chế chính sách ưu dãi đối với các dự án phát triển năng lượng tái tạo như tiếp cận nguồn vốn, đất đai, mặt nước, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Thứ bảy, Chính phủ cần tham vấn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như tham vấn các tổ chức quốc tế về định hướng, ban hành quy định về phát triển năng lượng tái tạo.