Tổng cục Hải quan:
''Đầu tàu'' thúc đẩy giảm thời gian thông quan hàng hóa
Tổng cục Hải quan đã và đang đóng vai trò “đầu tàu” thúc đẩy các bộ, ngành cùng đổi mới phương thức quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Trong chuỗi các kết quả đạt được, Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, do Tổng cục Hải quan chủ trì dự thảo đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17/11/2015. Đây được coi là bước đột phá cải cách thủ tục hành chính trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.
Bước đột phá từ chỉ đạo của Thủ tướng
Nếu như nhìn vào tổng số thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa XNK (năm 2013), thời gian làm thủ tục hải quan chiếm khoảng 28%, còn khoảng 72% thuộc thời gian thực hiện thủ tục của các bộ, ngành khác và các công ty kinh doanh cảng, kho bãi, hãng tàu, cảng vụ, công ty vận tải, DN XNK...
Riêng về thủ tục hải quan, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực đơn giản, tự động hóa thủ tục hải quan bằng việc triển khai đồng bộ Luật Hải quan 2014; cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ; ứng dụng triệt để CNTT vào nghiệp vụ hải quan; tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật thành công Cơ chế một cửa ASEAN...
Trong khi đó, những vướng mắc, bất cập trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK vẫn tồn tại, là rào cản lớn trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Khi đánh giá về vấn đề này, nhiều DN, chuyên gia và cơ quan Hải quan đều nhận thấy những bất cập như: Văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) nhiều nhưng vẫn có nội dung chưa hướng dẫn đầy đủ, một số nội dung quy định chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, có trường hợp một mặt hàng thuộc diện quản lý của nhiều bộ; một số danh mục hàng hóa thuộc diện KTCN phạm vi rộng, tên hàng không rõ ràng, có mặt hàng không có mã số HS; về thủ tục thực hiện KTCN chủ yếu làm thủ công; chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro; tổ chức hoạt động KTCN tại cửa khẩu lực lượng còn mỏng, phương tiện còn thiếu...
Xuất phát từ thực tế trên đòi hỏi sớm có sự cải cách toàn diện công tác KTCN đối với hàng hóa XNK nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, giảm chi phí cho DN, quản lý hàng hóa đúng quy định pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đúng thời điểm này Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được ban hành đặt ra yêu cầu, cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ XK, NK, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Trước yêu cầu đặt ra của Nghị quyết trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục đóng vai trò “chủ công” để triển khai các chỉ đạo của cấp trên. Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ... xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK.
Trong hai năm 2014, 2015 Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các bộ thực hiện hai cuộc khảo sát đánh giá toàn diện hoạt động KTCN để đánh giá thực trạng vướng mắc của các đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý của các bộ, ngành. Trong tháng 6, Tổng cục Hải quan đã phối hợp các bộ, ngành tổ chức đợt làm việc tập trung để rà soát các văn bản liên quan đến KTCN.
Tháng 8/2015, Tổng cục Hải quan tiếp tục tổ chức hai cuộc hội thảo để đơn giản hóa thủ tục KTCN, đã ghi nhận được rất nhiều vướng mắc từ cộng đồng DN. Qua đó Tổng cục Hải quan đã chỉ ra được rất nhiều văn bản cần sửa đổi, bổ sung.
Đầu tháng 10/2015, Tổng cục Hải quan đã chủ động mời các bộ, ngành thực hiện rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành và KTCN thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế.
Qua đó đánh giá tổng thể công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, từ hệ thống văn bản pháp luật đến thực tế thực hiện. Ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực rất lớn trong việc đánh giá các vướng mắc để có thể kịp thời đơn giản hóa các thủ tục KTCN.
Nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản có tính cải cách mạnh mẽ trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án, bên cạnh việc các bộ, cơ quan ngang bộ sớm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm khắc phục những bất cập liên quan đến quản lý, KTCN, các cơ quan quản lý, KTCN liên quan cần sớm nghiên cứu áp dụng ngay 3 giải pháp quan trọng có tính đột phá.
Về phía cơ quan Hải quan, sẽ tiếp tục trình lãnh đạo Bộ Tài chính kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Đề án. Kế hoạch chi tiết xác định rõ các việc phải làm, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện và thời gian hoàn thành.
Hiện thực hóa nhiệm vụ
Ngày 1/12 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã công bố triển khai địa điểm KTCN đầu tiên trên cả nước tại khu vực Hải Phòng. Đây là giải pháp quan trọng để cải cách, đơn giản hóa thủ tục KTCN đối với hàng hóa XNK theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt là cụ thể hóa các mục tiêu đặt ra trong Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11.
Điều này sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong thực hiện công tác KTCN, rõ nhất là thời gian chuyển đăng ký gốc (cho cơ quan Hải quan) giảm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày; thời gian lấy mẫu và nhận kết quả kiểm tra từ cơ quan quản lý chuyên ngành giảm từ 10 đến 15 ngày (kể từ ngày lấy mẫu) xuống còn 7 hoặc 10 ngày... 6 địa điểm còn lại đang được các đơn vị Hải quan địa phương gấp rút triển khai.
Việc bố trí địa điểm cho đơn vị KTCN làm việc ngay tại cửa khẩu đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của DN XNK hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện họat động KTCN, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho DN trong việc đưa hàng hóa, hồ sơ từ cửa khẩu đến cơ quan, đơn vị KTCN. Việc các đơn vị KTCN làm việc tại cửa khẩu đã rút ngắn được 30% thời gian chờ đợi làm thủ tục.
Việc hình thành các địa điểm KTCN tập trung tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay có lưu lượng hàng hóa XNK, XNC lớn là bước đầu tiên trong chuỗi các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN.
Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ đặt ra, nhằm tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực KTCN đối với hàng hóa XNK cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành trong những năm tới.
Để tạo ra sự thay đổi căn bản có tính cải cách mạnh mẽ trong quản lý và KTCN nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án, bên cạnh việc các bộ, cơ quan ngang bộ sớm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm khắc phục những bất cập liên quan đến quản lý, KTCN nêu trên, các cơ quan quản lý, KTCN liên quan cần sớm nghiên cứu áp dụng ngay 3 giải pháp quan trọng có tính đột phá. Đó là:
Thứ nhất là áp dụng chính thức và có hệ thống phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý và KTCN.
Thứ hai là rà soát lại danh mục các mặt hàng cần quản lý, cần KTCN (danh mục hàng hóa có mã số HS cụ thể), trong đó xác định những mặt hàng cần được kiểm tra tại cửa khẩu, tại địa bàn, địa điểm quản lý của hải quan, mặt hàng nào kiểm tra sau, kiểm tra trong nội địa.
Thứ ba là áp dụng CNTT trong công tác quản lý, KTCN từ khai báo, tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thông báo kết quả KTCN, trao đổi thông tin liên quan KTCN giữa các cơ quan quản lý và DN XNK, hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho DN XNK.