Đầu tháng 11, gửi tiền ngân hàng nào lãi cao nhất?
Những ngày đầu tháng 11, một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động nhưng gửi tiền tiết kiệm vẫn có thể hưởng lãi suất cao trên 7%.
Lãi suất cao nhất 7,1%
Không còn giữ được lãi suất đầu vào cao 7,8%/năm như tháng trước, sang tháng 11 mức lãi suất huy động cao nhất hệ thống đã tụt xuống còn 7,1%/năm.
Tuy nhiên, không chỉ một ngân hàng mà có tới 3 ngân hàng đang niêm yết mức lãi suất cao này. Đi đầu hệ thống vẫn là Techcombank, ngân hàng này vẫn duy trì điều kiện phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không tất toán trước hạn để được hưởng lãi suất 7,1%/năm.
Tiếp đó, ACB cũng vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng nhưng điều kiện thực tế hơn so với Techcombank khi chỉ cần số tiền gửi trên 30 tỷ đồng.
Tháng 11 này, thêm NamABank áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho kỳ hạn dài từ 16 tháng và áp dụng khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến.
Bám sát mức lãi suất cao này, một số ngân hàng đang huy động quanh 7%/năm: MSB huy động lãi suất cao nhất 7%/năm với khách hàng gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng tháng; NamABank 6,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng đến 15 tháng; LienVietPostBank cũng có mức lãi suất 6,99%/năm; HDBank 6,85%/năm…
Mặt bằng lãi suất biến động nhẹ
Mặt bằng lãi suất đầu tháng 11 biến động nhẹ. Trong đó, một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động đơn cử như tại Sacombank, lãi suất huy động tại đây tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn kể từ cuối tháng 10: Kỳ hạn 1-5 tháng tăng thêm 0,4-0,6% lên 3,1-3,4%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,3-4,5%/năm. Kỳ hạn dài 12 tháng cũng tăng nhẹ 0,1% lên 5,5%/năm. Lãi suất cao nhất tại đây là 6,1%/năm, kỳ hạn 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Theo bản tin mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng dao động nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 1 tuần và 1 tháng là 0,65%/năm, 0,7%/năm và 1,31%/năm.
Doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần cuối tháng 10 bằng VND đạt xấp xỉ 627.108 tỷ đồng, bình quân 125.422 tỷ đồng/ngày, giảm 13.502 tỷ đồng/ngày.
Trong khi đó, một số ngân hàng lại giảm nhẹ lãi suất đầu vào như SHB. Ngân hàng này đang huy động kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 3,2%/năm, 6 tháng là 4,5%/năm, 12 và 13 tháng là 5,2%/năm. Hiện lãi suất gửi tiền thông thường cao nhất tại SHB là 5,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Ngoài lãi suất mang tính tượng trưng như trên thì mặt bằng lãi suất huy động thông thường tại Techcombank vẫn thấp nhất hệ thống. Đầu tháng 11, ngân hàng cũng giảm nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn dài. Trong khi lãi suất kỳ hạn dưới 11 tháng giữ nguyên mức cao nhất là 3,6%/năm thì ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 4,8%/năm tháng trước xuống còn 4,2%-4,4%/năm hiện nay. Lãi suất thông thường cao nhất tại đây không còn là 5%/năm như tháng trước mà là 4,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Một số ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất như trước. Đơn cử như ACB vẫn duy trì kỳ hạn 1 tháng 0,2%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,3%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng ở điều kiện thường lần lượt là 4,9%/năm và 5,6%/năm.
Top 4: Vietcombank biến động
Tại khối ngân hàng quốc doanh, sang tháng 11 lãi suất huy động tại đây đã có sự thay đổi.
Ba trong bốn ngân hàng quốc doanh là VietinBank, BIDV và Agribank gần như không có thay đổi lãi suất tiết kiệm. Hiện nay, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng này vẫn đồng nhất là 3,1%/năm, các kỳ hạn 3-6 tháng dao động 3,4-4%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn dài tại các ngân hàng này vẫn giữ nguyên: BIDV và Agribank giữ nguyên mức lãi suất huy động cao nhất là 5,5%/năm và áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Vietinbank giữ lãi suất kỳ hạn dài cao hơn ba ngân hàng còn lại, là 5,6%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng.
Thay đổi trong tháng 11 là Vietcombank. Sang tháng này, Vietcombank tăng nhẹ lãi suất ở kỳ hạn ngắn: Kỳ hạn 1-2 tháng có lãi suất huy động là 3%/năm, 3 tháng là 3,3%/năm, 6-9 tháng 4%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài giảm từ 5,5%/năm về 5,3%/năm. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại VCB là 5,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.