Đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia vào Việt Nam: Sức hấp dẫn đang tăng lên

Theo Hải Nam/Tạp chí Thông tin Tài chính

(Tài chính) Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC). Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, cơ hội thu hút FDI đang mở rộng với Việt Nam. Vấn đề đặt ra là cần những chính sách phù hợp để thu hút và khai thác hiệu quả nguồn vốn này, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa nền kinh tế.

 Việt Nam đã và đang trở thành tâm điểm của thế giới trong sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử... Nguồn: internet
Việt Nam đã và đang trở thành tâm điểm của thế giới trong sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử... Nguồn: internet

Sức hấp dẫn của Việt Nam đang tăng lên

Cùng với làn sóng FDI vào Việt Nam trong những năm qua, hàng trăm TNC lớn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư dài hạn. Nhiều tập đoàn đã quyết định xây dựng tại Việt Nam các tổ hợp công nghệ lớn, được xem là các cứ điểm sản xuất và phân phối quan trọng trên bản đồ kinh doanh toàn cầu của họ.

Theo Báo cáo đầu tư thế giới năm 2014 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD) dựa trên kết quả điều tra 164 TNC lớn trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 9 về mức độ hấp dẫn đầu tư, tăng 2 bậc so với năm 2013.

Theo kết quả khảo sát khoảng 200 TNC là khách hàng của hãng tư vấn Frontier Strategy Group (Mỹ) trong quý II/2014, Việt Nam là một trong ba nước được các tập đoàn đa quốc gia của châu Âu và Mỹ quan tâm đầu tư nhiều nhất trong thời gian tới tại các thị trường mới nổi quy mô nhỏ.

Bằng chứng là, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những tên tuổi hàng đầu thế giới đã vào đầu tư tại Việt Nam như Honda, Intel, Samsung, LG, Microsoft, Canon... Việt Nam đã và đang trở thành tâm điểm của thế giới trong sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử...

Sự vào cuộc của các tập đoàn đa quốc gia sôi động ngay sau sự xuất hiện của Intel vài năm trước đây. Với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, Intel đã trở thành một “con chim mồi” để từ đó kích hoạt vốn đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Nokia, LG…

Với dự án đầu tư 670 triệu USD đầu tiên ở Bắc Ninh năm 2009, cho đến nay, Samsung Electronics Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên có vốn đầu tư 2 tỷ USD, bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 3 năm nay. Ngoài ra, Samsung Electro Mechanics còn có dự án chuyên sản xuất bo mạch 1,23 tỷ USD ở Thái Nguyên; Samsung Display có dự án 1 tỷ USD chuyên sản xuất màn hình có độ phân giải cao dùng cho điện thoại di động ở Bắc Ninh.

Bên cạnh dự án sản xuất pin cho điện thoại di động Samsung SDI, vốn đầu tư 150 triệu USD, thì Samsung Electronics sẽ triển khai Dự án Samsung CE Complex (SECC) 1,4 tỷ USD tại thành phố Hồ Chí Minh để tập trung sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng như Smart TV, TV LCD, LED… Đại diện Samsung khẳng định, Dự án SECC là thành công mới của Samsung tại Việt Nam, tiếp tục ghi rõ dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới về sản xuất và cung ứng các sản phẩm điện tử và di động, tiếp tục góp phần đưa Việt Nam trở thành những mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Nhiều tập đoàn điện tử đa quốc gia đã có kế hoạch biến Việt Nam từ một địa điểm lắp ráp đơn thuần thành nơi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với động thái đóng cửa toàn bộ hoặc một phần các nhà máy sản xuất ở Komarom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mê-hi-cô) để chuyển giao các dây chuyền sản xuất về Nhà máy Nokia Bắc Ninh, lãnh đạo của Microsoft cho biết, nhà máy ở Bắc Ninh sẽ trở thành nhà máy toàn cầu lớn thứ hai của tập đoàn. Cùng với xu hướng này, Intel có kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Costa Rica về Việt Nam. Sắp tới, sẽ có 80% sản phẩm CPU Haswell (chip thế hệ thứ 4) của Intel được sản xuất tại Việt Nam.

Lý giải làn sóng TNC vào Việt Nam, ông Stefano Cartoni, Giám đốc thương mại Ariston Thermo khu vực châu Á Thái Bình Dương kiêm Tổng giám đốc Ariston Thermo Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng với dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn ở mức gần hai con số, người Việt Nam ham học hỏi, chăm chỉ và tiếp thu nhanh các công nghệ mới. Một thị trường với nhiều lợi thế về môi trường đầu tư, nhân công, vị trí địa lý, nguyên vật liệu như Việt Nam luôn là lựa chọn lý tưởng cho bất kỳ doanh nghiệp đầu tư nào. Ariston Thermo cũng không là ngoại lệ”.

Trong chiến lược thu hút FDI, một trong những cái đích mà Việt Nam hướng tới là TNC. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực chỉ đạo để hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực đầu tư với mục đích là tạo môi trường thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.

Thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn vốn FDI từ các tập đoàn trên toàn cầu, nhưng lại chưa rõ ràng theo nghĩa đối tác để tạo ra các trục ngành cho nền kinh tế. Chính vì vậy, nên tìm kiếm và thiết kế các đối tác chiến lược quốc gia theo nghĩa tập đoàn.

Thế giới đã chuyển sang sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, không còn mạnh ai nấy làm như trước. Mỗi chuỗi ấy thường có sự tham gia của một hoặc vài tập đoàn, có vai trò quyết định sự tham gia của những công ty khác. Vì thế, nếu Việt Nam muốn được vào chuỗi giá trị đó, phải mời được các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam và bằng cách nào đó, để họ kết nối được với doanh nghiệp trong nước.

Theo TSKH. Nguyễn Mại, cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư của các tập đoàn này. Một quốc gia muốn phát triển thì phải có chiến lược dài hạn. Thu hút FDI cũng vậy. Chỉ cần mỗi lĩnh vực mình muốn phát triển, như điện tử, hóa dầu… thu hút một tập đoàn lớn để tạo xương sống cho nền kinh tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo liên kết với các doanh nghiệp trong nước thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế. Qua việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn, Việt Nam cũng có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư vệ tinh đến Việt Nam và từ đó tạo nên một vòng xoáy đầu tư theo nghĩa tích cực.

Việc đẩy mạnh hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế đang mở rộng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do với EU, Khối thương mại tự do châu Âu, Hàn Quốc và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đặc biệt, năm 2015, khi cộng đồng ASEAN được hình thành sẽ đưa ASEAN thành một thị trường chung với sự tự do di chuyển của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động... tới năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Việc này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư để xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác của Việt Nam với mức thuế suất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ.

ASEAN đang là một điểm sáng trong thu hút FDI trên toàn cầu. Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút FDI. Cùng với đó, các Hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư, thương mại và dịch vụ sẽ làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút FDI, đặc biệt là FDI từ các tập đoàn đa quốc gia khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ.

Hơn 80% số công ty có tên trong Danh sách 500 công ty toàn cầu của Tạp chí Fortune đã có mặt tại ASEAN. Cũng tại ASEAN, đã có hoạt động của toàn bộ 10 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô, 10 nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất toàn cầu; 10 nhà sản xuất điện tử hàng đầu; 10 doanh nghiệp dược phẩm lớn.