Đầu tư hạ tầng giao thông: Thu hút vốn theo hình thức đối tác công tư
Từ nay đến năm 2020, ngành giao thông – vận tải cần khoảng 960 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn để có thể huy động nguồn lực từ xã hội đang đòi hỏi những giải pháp trọng tâm, trong đó các giải pháp để thu hút nguồn vốn theo hình thức BOT, PPP cần được đẩy mạnh.
Xây dựng khung pháp lý minh bạch, lâu dài luôn là cơ sở đầu tiên để thu hút các nhà đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp tác đầu tư công – tư (PPP). Nhưng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn có tâm lý lo ngại nhà đầu tư không tham gia nên ít quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả. Có địa phương đã giao cho nhà đầu tư thực hiện thu phí nhưng sau đó lại hủy. Trong khi đó, do không có khung pháp lý đầy đủ nên đã phát sinh nhiều khó khăn khi thu hút vốn đầu tư xã hội cho thực hiện các công trình giao thông.
Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng sẽ tạo một hành lang pháp lý đầy đủ, có cơ sở để tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể. Nhưng các chuyên gia cho rằng, để đầu tư theo hình thức PPP thì khung pháp lý vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Bởi nhiều quốc gia đã xây dựng thị trường PPP và ban hành văn bản luật cho hình thức đầu tư này, song đều khó để triển khai. Ngân hàng có vai trò chính cung cấp vốn cho dự án PPP nhưng luôn thận trọng, nhất là đối với các dự án giao thông, do dự báo khả năng thu hồi vốn thường không chính xác, chính sách không rõ ràng và các rủi ro từ nguồn tài trợ.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco Phạm Quang Dũng chỉ rõ thực tế, do thời gian vay vốn quá ngắn nên khó huy động tài chính cho các dự án giao thông – vận tải. Các dự án đầu tư cho hạ tầng giao thông – vận tải luôn có giá trị đầu tư lớn, đòi hỏi thời gian thu phí dài (khoảng 20 năm), nhưng ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm. Vì vậy, theo ông Dũng, để thu hút vốn đầu tư xã hội cho các công trình giao thông, thì phải có chính sách với các ngân hàng thương mại để giải quyết vấn đề này.
Một yêu cầu khác của việc thu hút vốn đầu tư xã hội cho giao thông - vận tải là phải thu hút có hiệu quả. Yêu cầu này đòi hỏi phải có biện pháp phù hợp để thu hút nhà đầu tư có thực lực, ngăn chặn những đơn vị “tay không bắt giặc”. Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên cho rằng, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông - vận tải cần có định hướng ưu tiên, bảo đảm đầu tư công trình giao thông sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, không nên áp dụng cứng nhắc quy hoạch giao thông - vận tải.
Thu hút vốn luôn là đề tài khó đối với hạ tầng giao thông, nên phải tìm giải pháp thúc đẩy, huy động nguồn lực đầu tư của xã hội. Việc thực hiện các dự án PPP cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - chủ đầu tư - người dân. Việt Nam sẽ tiếp thu những điểm tốt trong thông lệ quốc tế, áp dụng phù hợp vào điều kiện đặc thù cụ thể. Ngoài việc thu hút vốn đầu tư, cần phải bảo đảm sử dụng nguồn vốn này hiệu quả, công khai, minh bạch, có chính sách đồng bộ ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa. Bộ Giao thông – Vận tải cũng cần siết chặt quản lý về tiến độ, chất lượng công trình; có cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư về các rủi ro phát sinh; công khai các thông tin dự án cần kêu gọi vốn đầu tư; thẩm định, lựa chọn kỹ chủ đầu tư; nghiên cứu, ứng dụng kinh nghiệm của các nước trong thu hút nguồn vốn đầu tư.