Đầu tư tài chính cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Theo daibieunhandan.vn

Dân số ngày càng đông và tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh chóng đang khiến cho con người trở nên mong manh trước thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là các nước đang phát triển. Chính vì vậy, các quốc gia rất cần phải đầu tư thêm vào công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai; thích nghi với những thay đổi của khí hậu để hạn chế những tác động tiêu cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hầu hết các quốc gia không thể chủ động đầu tư đủ vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Ở phần lớn các nước đang phát triển, nguồn tài chính chủ yếu cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai là những khoản đầu tư của chính quyền trung ương, tỉnh và địa phương trong các dịch vụ công. Một số quốc gia đã huy động nguồn tài chính dành cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai của riêng họ, thậm chí coi đây còn quan trọng hơn các hỗ trợ phát triển.

Theo một số nghiên cứu, kể cả các nước tương đối nghèo cũng có thể quản lý tài chính dành riêng bằng cách ưu tiên cho công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong ngân sách quốc gia. Theo JICA, có 3 loại tài chính giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bảo đảm thông qua các nguồn lực của Chính phủ.

Tích hợp vào các kế hoạch phát triển quốc gia

Trước hết là việc tích hợp giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các kế hoạch phát triển quốc gia và lập ra các kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai dài hạn. Thực tế, một số quốc gia đã thực hiện điều này và nó tỏ ra rất hữu ích trong việc thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro ở những nơi chịu ảnh hưởng bởi thiên tai khá nặng nề như khu vực châu Á.

Chẳng hạn, Trung Quốc đã tăng ngân sách phòng, chống lũ lụt từ cuối những năm 2000 và cũng tích hợp giảm thiểu rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia. Các kế hoạch bao gồm những hướng dẫn phát triển chi tiết, nhiệm vụ chính, các dự án lớn và mục tiêu cần đạt được.

Tại Ấn Độ, siêu bão Orissa năm 1999 và trận động đất Gujarat năm 2001 đã kích hoạt việc lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở nhiều cấp độ khác nhau. Lần đầu tiên, kế hoạch chi tiết cho vấn đề này đã được đưa vào kế hoạch 5 năm (2002 - 2007)...

Trong khi đó, Hàn Quốc đã thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến nước từ những năm 1960 dựa trên kế hoạch 10 năm hoặc 20 năm về phát triển tài nguyên nước quốc gia. Từ những năm 1970, ngân sách đã được phân bổ cho phòng chống lũ lụt trong kế hoạch phát triển 5 năm của Malaysia.

Tương tự, các kế hoạch phát triển của Philippines, Indonesia đều đề cập đến các chính sách và phương pháp tiếp cận giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong khi đó, ngay từ năm 2007, Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020  bao gồm các tiếp cận cần thiết cho giảm nhẹ rủi ro thiên tai để làm giảm thiệt hại về người và kinh tế.

Kể từ những năm 1960, kế hoạch phát triển quốc gia toàn diện của Nhật Bản đã đưa giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào phát triển cơ sở hạ tầng nhằm quản lý đất đai quốc gia từ góc độ dài hạn. Và hơn 100 năm qua, đất nước mặt trời mọc đã xây dựng các kế hoạch dài hạn về phòng chống lũ lụt. Một điểm đáng chú ý nhất trong những kế hoạch nói trên là việc đề cập đến các chi phí cần thiết trong giai đoạn thực hiện kế hoạch.

Thực tế, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch dài hạn đầu tiên vào năm 1911 sau hàng loạt thảm họa lũ lụt. Kế hoạch này bao gồm việc xây dựng các công trình tại 50 lưu vực sông lớn trong 18 năm với chi phí tương đương 1,7% ngân sách quốc gia. Chính phủ đã tạo ra một tài khoản đặc biệt để quản lý tài chính, bao gồm cổ phần của chính quyền địa phương và các chương trình cho vay từ tiết kiệm bưu điện.

Tiếp tục xu hướng đó, ba kế hoạch dài hạn đã được xây dựng trước Thế chiến II, tiếp theo là 9 kế hoạch từ thời hậu chiến đến năm 2000. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng phòng, chống lũ lụt của Nhật Bản đạt giá trị ấn tượng là 78 nghìn tỷ yen, tương đương 710 tỷ USD, chiếm tới 10% cổ phần cơ sở hạ tầng của Chính phủ trong năm 2014.

Mặc dù các kế hoạch dài hạn rất hữu ích trong việc bảo đảm đầu tư trong giai đoạn phát triển của đất nước, nhưng có một số nhược điểm, như sự phối hợp hạn chế giữa các ngành, không linh hoạt trong phân bổ ngân sách và bị ảnh hưởng nếu ngân sách giảm. Để đáp ứng nhu cầu ở giai đoạn tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm 2000, Chính phủ Nhật Bản đã bãi bỏ các kế hoạch cụ thể của ngành từ năm 2005 và tích hợp tất cả các ngành vào kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mà không đề cập đến chi phí cần thiết .

Cơ chế tài chính độc lập

Thứ hai là các cơ chế tài chính giảm nhẹ thiên tai độc lập. Điển hình cho mô hình trên là Philippines và Mexico. Quỹ quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia của Chính phủ Philippines được sử dụng đặc biệt cho các hoạt động giảm thiểu, phòng ngừa và chuẩn bị. 30% của quỹ được giành cho quỹ phản ứng nhanh, quỹ dự phòng cho các chương trình cứu trợ và phục hồi.

Các chính quyền địa phương cũng được yêu cầu dành 5% doanh thu làm quỹ quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại địa phương. Quỹ này cũng dành ra 30% ngân sách cho các chương trình cứu trợ và phục hồi.

Mexico thì thành lập Quỹ FONDEN - quỹ thiên tai năm 1996 để hỗ trợ phục hồi nhanh chóng cơ sở hạ tầng liên bang và tiểu bang, cũng như nhà ở thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi các thảm họa tự nhiên. Cơ chế tài chính của FONDEN đang phát triển để sử dụng chương trình tái bảo hiểm trên thị trường vốn quốc tế .

Chia sẻ chi phí 

Thứ ba là chia sẻ chi phí với các chính quyền địa phương và cộng đồng. Trong lịch sử, các cộng đồng địa phương ở Nhật Bản và Hà Lan đã đứng ra chịu trách nhiệm phòng chống lũ lụt ở địa phương. Tại Nhật Bản, chính quyền địa phương chia sẻ một phần ba chi phí cho các dự án phòng chống lũ lụt quốc gia.

Các nước phát triển khác cũng có cơ chế chia sẻ chi phí để phòng chống lũ lụt. Ở Mỹ, chính quyền tiểu bang và địa phương chia sẻ 35% chi phí cho các dự án phòng chống lụt bão liên bang do Quân đoàn Kỹ sư Mỹ thực hiện. Ở Anh, chính quyền trung ương chi trả khoảng 90% chi phí quản lý rủi ro xói mòn ven biển và lũ lụt. 10% còn lại đến từ một số nguồn tài trợ, chẳng hạn như tiền thuế địa phương, phí thoát nước hoặc quỹ hợp tác.

Khi quốc gia phát triển và khí hậu biến đổi, nhu cầu đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thiên tai tăng lên. Thực tế, việc đầu tư này thực sự tỏ ra có hiệu quả. Liên Hợp Quốc đã từng ước tính, đầu tư hàng năm khoảng 6 tỷ USD vào giảm nhẹ rủi ro thiên tại có thể tạo ra tổng lợi ích giảm rủi ro là 360 tỷ USD cho đến năm 2030. Đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai thực sự góp phần tăng trưởng kinh tế trong  thời điểm bình thường, cũng như giảm tổn thất kinh tế khi thảm họa xảy ra.

Tuy nhiên, việc khuyến khích khu vực tư đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai hiện nay vẫn đang là một thách thức lớn. Trong đó, vẫn còn nhiều vấn đề trong việc huy động vốn tư nhân để đầu tư vào phục hồi đô thị. Thực tế, các chính quyền địa phương thiếu khả năng tài chính và kỹ thuật để thiết lập và phát huy các chính sách, dự án hấp dẫn với khu vực tư.

Ngoài ra, việc xem xét những nhóm dễ tổn thương, như cộng đồng người nghèo hoặc bị thiệt thòi, trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai là rất quan trọng từ góc độ phát triển. Nếu không, các dự án sẽ chỉ tập trung vào các khu vực giàu có hơn, trong khi người nghèo mới là nhóm chịu đựng nhiều nhất từ thảm họa.