Đẩy mạnh phát triển du lịch tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số
TP. Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế và văn hóa lớn của Việt Nam, đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong ngành du lịch thông qua việc áp dụng chuyển đổi số. Đây là một bước tiến quan trọng giúp Thành phố không chỉ phục hồi nhanh chóng sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà còn đặt nền móng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững. Tuy nhiên, phát triển du lịch của TP. Hồ Chí Minh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Bài viết đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Mở đầu
Chuyển đổi số trong du lịch không chỉ là việc áp dụng công nghệ vào quản lý và vận hành mà còn là việc tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, thu hút du khách trong và ngoài nước. TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng cấp hạ tầng công nghệ, từ việc cập nhật thông tin du lịch lên các nền tảng số như Google Map và Google Earth, phát triển ứng dụng du lịch thông minh cho cả iOS và Android, cho đến việc sử dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch để tái hiện hình ảnh Thành phố một cách sinh động.
Một trong những bước tiến quan trọng là việc Thành phố đã triển khai vận hành các ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng số thống nhất, giúp giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn góp phần tạo ra một hình ảnh TP. Hồ Chí Minh hiện đại và thân thiện với du khách.
Chuyển đổi số đã và đang mở ra những cơ hội mới cho ngành du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, từ việc tạo ra các sản phẩm du lịch số đến việc tiếp cận khách hàng thông qua các giải pháp không chạm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu. Với những bước đi này, TP. Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam mà còn là một hình mẫu về sự phát triển du lịch thông minh và bền vững trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, vì vậy cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thực trạng phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh
Bảng 1: Một số chỉ tiêu ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2023 |
|||
Chỉ tiêu |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Số lượng khách quốc tế (lượt) |
0 |
3.465.686 |
5.000.000 |
Số lượng khách nội địa (lượt) |
9.350.000 |
31.236.443 |
35.000.000 |
Tổng thu du lịch (tỷ đồng) |
44.247 |
131.138 |
160.000.000 |
Nguồn: Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh |
Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về doanh thu, tỷ lệ khách và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Số lượng khách quốc tế đến Thành phố đạt 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với năm 2022, chiếm 40% lượng khách quốc tế của cả nước và bằng 60% so với năm 2019 trước khi xảy ra dịch COVID-19. Khách du lịch nội địa đạt 35 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2022 và chiếm 32% lượng khách nội địa của cả nước, tăng 6,8% so với năm 2019 trước dịch COVID-19.
Tổng thu du lịch của TP. Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 160 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022 và chiếm 24% tổng thu của cả nước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 5 năm từ 2019 – 2023 (Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 2024). Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Với những nỗ lực không ngừng, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là một điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Định vị thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế. Năm 2023, Thành phố được vinh danh là “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA), là Điểm đến xu hướng thịnh hành hàng đầu châu Á do Tạp chí Travel off Path bình chọn.
TP. Hồ Chí Minh cũng đạt được nhiều thành tích khác như: Top 25 điểm đến tốt nhất do du khách bình chọn trên nền tảng Du lịch trực tuyến TripAdvisor, Top 100 điểm đến được yêu thích mùa hè năm 2023 theo Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, Top 100 điểm đến hàng đầu thế giới theo Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor Interational…
Trong thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng quan tâm đến chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Hiện nay, Sở Du lịch đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 100% thủ tục hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng hạn đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ hài lòng đạt 96,53%. Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh đã đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE-HCMC, triển khai chuyển đổi số tại các khách sạn để giới thiệu các sản phẩm công nghệ thông minh, tổ chức Ngày hội chuyển đổi số du lịch giữa Thành phố và 13 tỉnh, thành đồng bằng song Cửu Long… Đặc biệt, ứng dụng công nghệ 3D/360 trong công tác giới thiệu, quản bá các điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh đã được 500 nghìn lượt du khách từ 121 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới truy cập (Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 2024).
Vấn đề tồn tại trong phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Với sự nỗ lực không ngừng, du lịch của Thành phố đã mang lại doanh thu ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng kể, ngành du lịch của Thành phố cũng đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết để phát triển bền vững. Trước hết, du lịch của Thành phố vẫn nằm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường du lịch quốc tế. Hiện nay, thị trường du lịch vẫn chưa phục hồi được như trước dịch COVID-19, lượng khác quốc tế hiện mới bằng 60% so với năm 2019 khi chưa xảy ra dịch COVID-19.
Năng lực cạnh tranh của điểm đến TP. Hồ Chí Minh cũng còn những hạn chế, bất cập như: hệ thống giao thông, cấp - thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; các giải pháp giao thông công cộng kết nối các điểm đến du lịch còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trở nên quá tải, trong khi hệ thống cầu tàu, bến đỗ đường thủy chưa đầu tư đồng bộ đang tạo rào cản cho sự phát triển của loại hình du lịch tiềm năng này. Thành phố vẫn thiếu các khu du lịch, công viên đạt được tầm vóc và sức thu hút khách quốc tế… (Trần Thị Hồng Trinh, 2023).
Đặc biệt, nguồn nhân lực du lịch của Thành phố vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vẫn còn tình trạng thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm. Sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng chưa nổi bật. Sản phẩm du lịch đường sống còn thiếu bến thủy, cầu tàu, chưa có cảng chuyên dụng đón khác tàu biển quốc tế… Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành Du lịch chiếm tỷ lệ cao nên khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường và mở rộng thương hiệu quốc tế còn hạn chế (Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 2024).
Giải pháp phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển của mọi ngành, bao gồm cả du lịch. Với sự phong phú về lịch sử, văn hóa và cảnh quan tự nhiên, TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để tận dụng lợi ích từ chuyển đổi số trong việc phát triển ngành du lịch. Dưới đây là một số giải pháp để đẩy mạnh du lịch TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thứ nhất, xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh.
Việc phát triển một hệ thống thông tin du lịch thông minh không chỉ đơn thuần là việc tạo ra các ứng dụng di động và trang web, mà còn là việc xây dựng một cộng đồng thông tin đa chiều. Hệ thống này không chỉ cung cấp thông tin về các điểm du lịch, sự kiện, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ, mà còn cho phép du khách tương tác và chia sẻ thông tin cá nhân hóa dựa trên sở thích và nhu cầu cụ thể. Ngoài ra, việc tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống thông tin du lịch sẽ giúp cá nhân hóa trải nghiệm của mỗi du khách, từ việc gợi ý địa điểm du lịch đến việc tạo ra lịch trình du lịch cá nhân.
Thứ hai, tăng cường tiếp thị số
Sự xuất hiện của các kênh truyền thông xã hội và công cụ tiếp thị trực tuyến đã mở ra một cánh cửa mới cho việc tiếp thị du lịch. TP. Hồ Chí Minh có thể tận dụng những công nghệ này để quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của mình đến với một lượng lớn khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Chiến lược tiếp thị nội dung sẽ giúp tạo ra các trải nghiệm tương tác và thu hút sự chú ý của du khách một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ tiếp thị mới (như marketing automation, chatbot và influencer marketing) cũng sẽ giúp tăng cường hiệu quả của chiến lược tiếp thị số.
Thứ ba, xây dựng hạ tầng kỹ thuật số
Nâng cấp hạ tầng mạng và sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) không chỉ cải thiện trải nghiệm của du khách mà còn tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mạnh mẽ để hỗ trợ cho việc quản lý và phát triển ngành du lịch. Việc tạo ra các điểm Wi-Fi công cộng, hệ thống định vị GPS và các cảm biến thông minh sẽ là những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một TP. Hồ Chí Minh thông minh và hiện đại. Hơn nữa, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào ngành du lịch, từ việc phát triển ứng dụng và dịch vụ mới đến việc tạo ra các trải nghiệm du lịch kỹ thuật số độc đáo.
Thứ tư, phát triển trải nghiệm du lịch kỹ thuật số
Trải nghiệm du lịch kỹ thuật số không chỉ là một xu hướng mới mẻ mà còn là một cơ hội để khám phá lịch sử và văn hóa độc đáo của TP. Hồ Chí Minh. Việc phát triển các ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ mang lại trải nghiệm du lịch đa chiều và hấp dẫn, từ việc thăm các di tích lịch sử đến việc tham quan các bảo tàng và triển lãm nghệ thuật. Ngoài ra, việc tích hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và thực tế tăng cường vào các trải nghiệm du lịch cũng sẽ giúp tạo ra những trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ cho du khách.
Thứ năm, hợp tác công-tư trong phát triển du lịch số
Hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp du lịch và các nhà phát triển công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch số. Việc khuyến khích sự đóng góp ý tưởng và sáng tạo từ phía các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng sẽ là một cách hiệu quả để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch mới mẻ và độc đáo. Hơn nữa, việc tạo ra các cơ chế khuyến khích đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào ngành du lịch số cũng sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực và phát triển.
Thứ sáu, quản lý thông minh và bền vững
Sử dụng dữ liệu và công nghệ để quản lý lưu lượng du lịch, giảm tắc nghẽn giao thông và quản lý rác thải sẽ giúp đảm bảo rằng du lịch TP. Hồ Chí Minh không chỉ phát triển bền vững mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng địa phương và bảo vệ môi trường. Việc phát triển các hệ thống quản lý thông minh sẽ giúp cải thiện hiệu suất và tính bền vững của các hoạt động du lịch, từ việc quản lý lưu lượng du khách đến việc xử lý và tái chế rác thải.
Chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra thách thức cho ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với sự đầu tư đúng đắn và chiến lược phát triển thông minh, TP. Hồ Chí Minh có thể trở thành điểm đến du lịch hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bản đồ du lịch thế giới.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 1671/QÐ-TTg, ngày 30/11/2018 phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025";
- Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo số 2360/BC-SDL về Tình hình hoạt động du lịch năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
- Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2024), Báo cáo số 556/BC-SDL về Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các đề xuất, kiến nghị của Sở Du lịch.
- Nguyễn Thị Huyền (2022), Một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, Tạp chí Công Thương.
- Lý Liệt Thanh (2023), Tăng cường chuyển đổi số ngành Du lịch, Tạp chí Tài chính.
- Trần Thị Hồng Trinh (2023), Năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Công Thương.