Du lịch nông nghiệp với quảng bá chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam

Nguyễn Văn Minh

Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam và thế giới có sự phát triển mạnh mẽ từ cuối thể kỷ XX, do ảnh hưởng từ tốc độ đô thị hóa và lối sống đô thị, hạn chế điều kiện tiếp cận với môi trường và điều kiện sinh hoạt tự nhiên, yêu cầu đổi mới sản phẩm du lịch cho khách hàng… Loại hình du lịch này có quy mô, tốc độ phát triển nhanh, với hình thức cung cấp sản phẩm đa dạng, linh hoạt. Chính sách về phát triển nông nghiệp – nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Khái quát về du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp (DLNN) là loại hình du lịch sinh thái, gắn với điều kiện tự nhiên ở vùng nông thôn hoặc du lịch cộng đồng do gắn với tập quán sinh sống, sản xuất của một cộng đồng cư dân ở một địa bàn nông thôn cụ thể. DLNN gắn với xây dựng tour/tuyến/địa điểm để cung cấp một sản phẩm phục vụ du khách, chủ yếu dựa trên nền tảng sinh hoạt truyền thống của cư dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ.

Tên gọi, sự hình thành và phát triển của DLNN ở mỗi quốc gia có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau, gắn với trình độ phát triển của nông nghiệp - nông thôn - nông. Ví dụ, ở Anh gọi là “Rural-tourism” - Du lịch nông thôn, do khu vực được coi là nông thôn của nước Anh chỉ có tỷ lệ rất nhỏ; ở Mỹ gọi là “Homestead” - Du lịch trang trại do sở hữu đất đai và tổ chức sản xuất nông nghiệp thường gắn với từng trang trại cụ thể; ở Nhật Bản là “Green-tourism” - Du lịch xanh, do nông nghiệp ở Nhật Bản đã ở trình độ phát triển cao; hướng tới “nông nghiệp xanh”, “nông nghiệp tuần hoàn”, nông nghiệp bền vững”; còn ở Pháp gọi là “Tourism de verdure” - Du lịch với cỏ cây, do đặc tính gần gũi trong quy hoạch thành phố - rừng, nhà – vườn của người Pháp… DLNN ở Việt Nam những năm gần đây đang có sự phát triển cả về danh mục, mô hình, điểm đến; cung cấp cho đa dạng đối tượng khách hàng, cả khách nội địa và quốc tế.

Để triển khai DLNN cần có một số yếu tố chính:

- Có hoạt động nông nghiệp/sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù, có sự khác biệt theo địa phương, tập quán sinh hoạt và canh tác của cư dân.

- Có tính liên kết với đặc điểm văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh… để tạo ra sản phẩm du lịch tổng hợp có sức thu hút với khách hàng

- Có cơ sở hạ tầng phù hợp để đáp ứng yêu cầu di chuyển, lưu trú, ăn uống, trải nghiệm thực tế, an toàn của khách hàng.

- Có sự quản lý của cơ quan chức năng và sự tham gia tự nguyện, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch.

Việc phát triển DLNN ở Việt Nam mang lại những lợi ích to lớn cho các chủ thể có liên quan. Cụ thể:

Thứ nhất, với lĩnh vực du lịch: Tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm cho các doanh nghiệp du lịch, bổ sung sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế, khách hàng nội địa sinh sống ở khu vực đô thị. Tăng cường quảng bá điểm đến, văn hóa, danh lam thắng cảnh, ẩm thực mang tính địa phương của Việt Nam.

Thứ hai, thu hút khách hàng đến tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung; hoạt động trong chuỗi cung ứng gắn với từng loại nông sản nói riêng; hỗ trợ quảng bá sản phẩm và chuỗi cung ứng nông sản của địa phương; hỗ trợ tiêu thu nông sản địa phương, thúc đẩy thương mại – dịch vụ địa phương .

Thứ ba, giúp khách hàng trải nghiệm thực tế gắn với thiên nhiên, có những thay đổi về nhận thức về nông sản – nông nghiệp – nông thôn – nông dân; thay đổi về hành vi tiêu dùng và lối sống theo hướng tôn trọng nông sản, có ý thức với môi trường tự nhiên.

Thứ tư, gia tăng giá trị ngoại sinh cho chuỗi cung ứng nông sản; tạo thêm sinh kế và tăng thêm thu nhập cho người nông dân. Đây là lợi ích rất quan trọng, do sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thu nhập trực tiếp và chủ yếu của người nông dân từ nông sản chưa cao. Có thêm việc làm và thu nhập là yếu tố rất quan trọng để người nông dân tiếp tục gắn bó với quê hương và tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình.

Thứ năm, góp phần làm thay đổi nhận thức của người nông dân về giá trị của sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; duy trì và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán của địa phương.

Thứ sáu, thúc đẩy việc học tập, áp dụng những tiến bộ mới về công nghệ trong sản xuất, đời sống của cư dân địa phương, góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Như vậy, việc phát triển DLNN có ý nghĩa quan trọng và mang lại những lợi ích to lớn cả ở tầm quốc gia, địa phương và từng hộ gia đình nông dân.

Một số mô hình du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

DLNN ở nước ta được hình thành với những mô hình đơn giản, quy mô nhỏ từ những năm 90 của thế kỷ XX, như tạo điểm check in – chụp ảnh; mô hình nông trại đơn giản gần các đô thị để học sinh tham quan, tìm hiểu về nông nghiệp; tham quan vườn trái cây, vườn hoa… Sau nhiều năm hình thành và phát triển, DLNN đã có sự phát triển về mô hình kinh doanh, điểm đến, sự tham gia của nhiều chủ thể (cá nhân, tổ chức..), thu hút được đa dạng đối tượng khách hàng nội địa và quốc tế.

Nhiều điểm đến DLNN có sức hút lớn với du khách như: tham quan ruộng bậc thang của một số tỉnh miền núi phía Bắc (Mù Cang Chải – Yên Bái; Hoàng Su Phì- Hà Giang; Sapa – Lào Cai..); tham quan vườn cây ăn trái (vườn xoài ở Cam Lâm- Khánh Hòa; vườn nho ở Ninh Hải – Ninh Thuận; vườn dâu tây ở Đà Lạt- Lâm Đồng, Mộc Châu – Sơn La..); tham quan các làng hoa ở Đà Lạt – Lâm Đồng; tham quan vườn mận/đào của đồng bào H’Mông thời điểm ra hoa và thu hoạch trái ở Mộc Châu – Sơn La; du lịch trải nghiệm (như trồng rau tại làng Trà Quế- Hội An…)

Ngoài hình thức DLNN gắn trực tiếp với địa bàn nông thôn, còn có du lịch trải nghiệm nông nghiệp với tính chất một dạng sản phẩm trong tổ hợp sản phẩm du lịch sinh thái cung cấp cho khách hàng tại các resort, điểm du lịch cộng đồng do người dân triển khai.

Tổng hợp từ thực tế phát triển, DLNN ở Việt Nam có một số mô hình sau:

- Du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp: Đây là dạng phổ biến nhất, với việc hình thành tour/tuyến du lịch có một số điểm đến gắn với địa bàn nông thôn (đồng bằng, trung du, miền núi..). Khách du lịch có thể lưu trú tại các Resort, Farmstay, Homestay; tham quan cảnh quan, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu văn hóa của cư dân bản địa; được hòa mình với môi trường thiên nhiên. Mô hình này được phát triển nhiều ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (như: Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang); Tây Nguyên (Đắc Lắc, Kon Tum, Lâm Đồng), miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Khách Hòa)

- Du lịch nông nghiệp trải nghiệm thực tế: Du khách có thể được trải nghiệm thực tế về một số công đoạn sản xuất nông nghiệp tại các trang trại (làm đất, trồng cấy, thu hoạch, chế biến sản phẩm…) với sự hướng dẫn trực tiếp của người dân; được sinh hoạt cùng với cuộc sống của người dân (thưởng thức ẩm thực, tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng). Sản phẩm du lịch này chưa phát triển nhiều do hạn chế về cơ sở hạ tầng địa phương lựa chọn triển khai và sự tham gia của cư dân để đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Một hình thức khác của dạng này là trải nghiệm tại các mô hình trang trại (Farmstay) được xây dựng ở ngoại vi các đô thị; khách hàng được trải nghiệm một số công đoạn của sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi…) của nhân viên. Hình thức này chủ yếu dành cho học sinh, thanh niên, mang tính trò chơi giải trí (Games) là chính; tính gắn kết với nông nghiệp – nông thôn không cao; hầu như không liên quan đến quảng bá chuỗi cung ứng nông sản.

- Du lịch sinh thái kết hợp thăm vườn: Mô hình này áp dụng ở một số địa phương có vùng chuyên canh cây lớn về hoa, trái cây ở một số địa phương như: vườn mận tam hoa ở Mộc Châu – Sơn La; vườn nho/trang trại nho ở Ninh Phước- Ninh Thuận; nhà vườn (trái cây, rau hữu cơ/ làng hoa) ở Đà Lạt – Lâm Đồng; vườn cây, khu nuôi cá tôm ở Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ; cánh đồng sen, vườn hoa cảnh ở Đồng Tháp… Với mô hình này, du khách được tham quan trực tiếp các nhà vườn, được giới thiệu về nông sản tươi tại vườn, một số sản phẩm chế biến (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao); có thể được giới thiệu tóm tắt về giống cây trồng vật nuôi, quy trình canh tác, ưu thế của loại nông sản đặc hữu địa phương; được tư do tham quan, thu hoach và thưởng thức trái cây (miễn phí), mua nông sản tại vườn/trại do tự tay mình thu hoạch với giá thấp hơn giá thị trường. Mô hình này phát triển mạnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ, thu hút du khách từ đô thị (nhất là tập khách hàng trẻ tuổi) và một bộ phận khách quốc tế.

Việc phát triển DLNN ở nhiều địa phương nước ta trong những năm vừa qua đã có những tác động tích cực đến cả lĩnh vực du lịch và nông nghiệp: Có những sản phẩm mới cho du khách trong và ngoài nước; Góp phần quảng bá văn hóa - ẩm thực – thắng cảnh của nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có có một số nông sản (trái cây, hoa, rau củ..); Tăng thu nhập cho người nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn; Đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Đảng và Chính phủ.

Dưới góc độ quảng bá cho chuỗi cung ứng nông sản - một trong những trọng tâm về kinh tế của mỗi địa phương, mỗi hộ nông dân, DLNN đã thể hiện được ở một số khía cạnh như: Giới thiệu về sản phẩm (nhất là những tiêu chí chất lượng đặc trưng); Giới thiệu vùng sản xuất, một số thông tin về quy trình sản xuất (canh tác, thu hoạch, chế biến..).

Tuy nhiên, việc phát triển DLNN trong thời gian qua cũng cho thấy sự hạn chế về quy hoạch và đầu tư của ngành Du lịch; thiếu phối hợp, liên kết giữa các chủ thể có liên quan (ngành du lịch, chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương); việc triển khai còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; còn có sự trùng lặp mô hình giữa các địa phương, sự đơn điệu của sản phẩm; chưa đáp ứng về cơ sở hạ tầng (giao thông, cơ sở lưu trú, nhân lực). Một số nội dung liên quan trực tiếp đến quảng bá chuỗi cung ứng nông sản, hỗ trợ trực tiếp cho việc truyền thông và tiêu thụ sản phẩm còn đơn giản, chưa đồng bộ.

Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển DLNN. Việc chuyên nghiệp hơn trong xây dựng và phát triển mô hình du lịch này không chỉ góp phần thực hiện các mục tiêu của ngành Du lịch, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển chuỗi cung ứng một số mặt hàng nông sản chủ lực; thúc đẩy việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.

Khuyến nghị về quảng bá chuỗi cung ứng nông sản thông qua du lịch nông nghiệp

Chính phủ, các ngành chức năng, các địa phương đã có những quan tâm cụ thể, phù hợp để phát triển DLNN. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 về việc Phê duyệt Chương trình phát triển DLNN trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Quyết định đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển DLNN, du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn nước ta giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ ngành trung ương, các địa phương, các chủ thể có liên quan khác phối hợp tổ chức thực hiện.

Triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Văn phòng Trung ương điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới… đã và đang triển khai xây dựng, ban hành các văn bản liên quan (Đề án, Kế hoạch...) để đưa nội dung của Quyết định vào thực tiễn cuộc sống.

Trên cơ sở đánh giá những thành công và hạn chế của phát triển DLNN trong mối quan hệ với hoạt động quảng bá chuỗi cung ứng nông sản, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Một, các tỉnh nghiên cứu để xác định tiềm năng, phân loại sản phẩm DLNN; trong đó chú trọng sản phẩm du lịch có liên quan đến chuỗi cung ứng nông sản chủ lực của địa phương (như: trái cây, rau củ, hoa, thủy sản, lúa gạo…); trên cơ sở đó có định hướng về điểm đến, sản phẩm, mô hình kinh doanh.

Hai là, việc lựa chọn tour, tuyến, điểm đến phải có tính đại diện; có thể liên kết ở phạm vi liên huyện, liên xã để hạn chế tình trạng “trăm hoa đua nở”, trùng lặp, đơn điệu về sản phẩm; Cần có sự tuyên truyền tới cộng đồng cư dân để khắc phục tính cục bộ địa phương, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể liên quan.

Ba là, xây dựng và số hóa bản đồ DLNN, trong đó có điểm đến gắn với chuỗi cung ứng nông sản chủ lực của địa phương để quảng bá tới các công ty du lịch lữ hành; du khách.

Bốn là, có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng địa phương (nông nghiệp, văn hóa - du lịch, khoa học công nghệ..), sự hỗ trợ của doanh nghiệp và nhà chuyên môn, cùng cộng đồng dân cư để xây dựng chương trình truyền thông tích hợp một cách đồng bộ về nội dung thông tin, hình thức thông điệp, phương tiện và hình thức truyền thông, kinh phí… phục vụ cho quảng bá DLNN nói chung, quảng bá chuỗi cung ứng nông sản chủ lực nói riêng.

Về nội dung thông tin: Ngoài giới thiệu về sản phẩm (chú trọng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP), cần có thông tin về vùng trồng (trong đó có số vùng trồng đã được cấp mã số); diện tích và sản lượng; thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; quy trình canh tác (đạt tiêu chuẩn VietGap/GlobalGap), kỹ thuật chế biến sau thu hoạch (số cơ sở đạt tiêu chuẩn về chế biến, đóng gói tại địa phương); những lợi thế khác biệt và tính hấp dẫn riêng của địa phương. Những thông tin này sẽ tạo được lòng tin với sản phẩm của khách hàng và họ sẽ là một kênh quảng bá cho chuỗi cung ứng nông sản chủ lực của địa phương.

Chính sách về phát triển nông nghiệp – nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Nhiều chính sách mới trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục đưcc ban hành và triển khai thực hiện, trong đó có chính sách phát triển du lịch nông nghiệp.

Về hình thức truyền tải thông điệp: Cần đa dạng phương thức truyền tải như: làm video, bài thuyết trình, catalogue, poster… Sự đa dạng này sẽ tạo thuận lợi cho các chủ thể liên quan (doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, người nông dân) trong quảng bá sản phẩm DLNN.

Về phương tiện và hình thức truyền thông: Tập trung vào việc liên kết với các công ty du lịch lữ hành và quảng bá trực tiếp tại điểm đến. Thông qua hoạt động xúc tiến du lịch, chính quyền địa phương hoặc tổ chức đại diện cư dân địa phương (HTX, hiệp hội chuyên ngành) để tạo được mối liên kết với một số công ty du lịch lữ hành có khai thác tour/tuyến để cung cấp các tài liệu để quảng bá trong quá trình thực hiện tour. Việc sử dụng các tài liệu quảng bá tại điểm đến thống nhất và đồng bộ, kết hợp với trải nghiệm thực tế sẽ tăng tính thuyết phục và lòng tin về nông sản cho khách hàng. Tăng cường sử dụng kênh truyền thông onlie, mạng xã hội, sử dụng các KOL..

Về kinh phí: cần có sự kết hợp giữa hỗ trợ của chính quyền với huy động từ các nguồn xã hội hóa (tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp du lịch, hội chuyên ngành, cộng đồng cư dân) và trích lại từ doanh thu du lịch tại điểm đến.

Năm, xây dựng một số mô hình điển hình theo từng khâu hoạt động của chuỗi cung ứng (sản xuất, chế biến, phân phối) để du khách có thể tham quan, trải nghiệm. Các hướng dẫn viên cần đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo tính thống nhất và chuyên nghiệp.

Sáu là, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cộng đồng cư dân về tổ chức hoạt động DLNN, du lịch cộng đồng nói chung; quảng bá cho chuỗi cung ứng nông sản nói riêng. Việc cung cấp kiến thức, đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng về du lịch cho cư dân là rất quan trọng, vì họ là người trực tiếp tiếp cận và đáp ứng những yêu cầu cụ thể của khách hàng tại điểm đến, liên quan trực tiếp đến mức độ hài lòng của du khách.

Bảy là, phối hợp hoạt động DLNN với thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới để xã/huyện (có mô hình kinh doanh DLNN) đạt chuẩn nông thôn mới hoặc chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tựu chung, chính sách về phát triển nông nghiệp – nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Nhiều chính sách mới trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục đưcc ban hành và triển khai thực hiện, trong đó có chính sách phát triển DLNN. Việc phát triển DLNN cả về chiều rộng và chiều sâu sẽ có những tác động tích cực đến việc phát triển nông nghiệp, phát triển chuỗi cung ứng nông sản nông sản; góp phần quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng nông sản của nước trong những năm tới đây.

Tài liệu tham khảo

  1. Cổng thông tin điện tử chính phủ, Quyết định số 922/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022, Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025;
  2. Thảo Nguyên “Du lịch nông nghiệp với vô vàn trải nghiệm thú vị” - https://vinwonders.com;
  3. Đoàn Mạnh Cương “Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững”- Cổng thông tin điện tử Cục du lịch quốc gia, vietnamtourism.gov.vn;
  4. Thu Hòa “Phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam”- Tạp chí Con số và sự kiện điện tử, Tổng cục Thống kê, consosukien.vn
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024