Đẩy mạnh phát triển và hoạt động hiệu quả sàn giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất, việc làm
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ đánh giá kỹ pháp lý, thực trạng, kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp ứng dụng, phát triển, quản lý hoạt động giao dịch bất động sản (BĐS), việc làm và khoa học công nghệ phù hợp với phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý...
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 354/TB-VPCP ngày 26/8/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc thành lập các sàn giao dịch: việc làm, công nghệ, giao dịch BĐS và giao dịch quyền sử dụng đất.
Thông báo kết luận nêu rõ, thực tế hiện nay, thị trường BĐS, quyền sử dụng đất, việc làm và khoa học công nghệ đang hình thành và có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Sự hình thành và phát triển của các giao dịch này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch BĐS, quyền sử dụng đất, việc làm và khoa học công nghệ mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường; chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ cho việc ứng dụng, phát triển và quản lý đảm bảo hoạt động hiệu quả, công khai và minh bạch của các giao dịch này.
Để thị trường BĐS, quyền sử dụng đất, việc làm và khoa học công nghệ hoạt động công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, cụ thể là đẩy mạnh phát triển và hoạt động hiệu quả hệ thống các sàn giao dịch nói trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, trong phạm vi, chức năng quản lý của Bộ hoàn thiện báo cáo, trong đó, đánh giá kỹ cơ sở chính trị, pháp lý, thực trạng, kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp ứng dụng, phát triển, quản lý hoạt động giao dịch BĐS (bao gồm BĐS là quyền sử dụng đất), việc làm và khoa học công nghệ phù hợp với phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
Đồng thời, các bộ đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức phù hợp để làm cơ sở phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động giao dịch BĐS (bao gồm BĐS là quyền sử dụng đất), việc làm, khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 8/9/2023.
Trước đó, ngày 21/8/2023, tại cuộc họp với các bộ, ngành về đề xuất xây dựng các sàn giao dịch về việc làm, BĐS và quyền sử dụng đất được tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Hiện nay, căn cứ chính trị, pháp lý đối với các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai, khoa học công nghệ ở Việt Nam rất rõ ràng. Việc hình thành, vận hành mô hình trung tâm môi giới giao dịch, sàn giao dịch đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập, hạn chế.
"Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác quản lý, phát triển các thị trường việc làm, BĐS, đất đai lành mạnh, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích cho DN, người dân", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin, hiện cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khoảng 500 DN hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự cần thiết hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia kết nối với các sàn giao dịch trực tuyến hiện có.
Do vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị cần xây dựng, ban hành quy định về chuẩn hoá trong thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu việc làm trên toàn quốc làm cơ sở tổ chức các hoạt động của sàn giao dịch việc làm và chia sẻ, kết nối thông tin dịch vụ việc làm công lập và tư nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức hoạt động giao dịch việc làm, nhất là trên không gian mạng.
Về các sàn giao dịch BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có trên 1.600 sàn giao dịch BĐS đã góp phần hạn chế các giao dịch phi chính thức, chống thất thu thuế, cung cấp thông tin về thị trường BĐS cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện và duy trì hoạt động của các sàn giao dịch BĐS theo hướng bổ sung thêm các loại hình BĐS phải giao dịch qua sàn để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân; chống thất thu thuế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hình thành công cụ quản lý thông tin của Nhà nước để đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật bổ sung các quy định liên quan tới sàn giao dịch nhằm đảm bảo việc giao dịch qua sàn giao dịch BĐS được công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên.
Đối với hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thị trường quyền sử dụng đất đã hình thành nhưng hoạt động thiếu ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững, chưa có sự liên thông với thị trường sản xuất khác.
Hệ thống thông tin về thị trường quyền sử dụng đất chưa đầy đủ dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế, chính sách để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá đất giao dịch thực tế trên thị trường để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về giá đất.
"Việc thành lập mô hình về sàn giao dịch BĐS, trong đó có giao dịch về quyền sử dụng đất, là cần thiết và cấp bách, đồng thời tiến tới đồng bộ hoá quản trị quốc gia", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh.