Đẩy mạnh số hóa công tác thanh tra, kiểm tracủa Kho bạc Nhà nước

PV.

Chiến lược Phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đã xác định rõ nội dung hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra của kho bạc. Theo đó, việc đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, gắn với quản lý rủi ro và giám sát từ xa đã giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước giám sát đầy đủ, toàn diện các hoạt động của hệ thống trên nền tảng công nghệ thông tin.

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đề ra mục tiêu nâng cao vị thế, vai trò hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN
Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đề ra mục tiêu nâng cao vị thế, vai trò hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN

Kết quả tích cực từ hoạt động giám sát từ xa

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách, chế độ hiện hành, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm an toàn tiền và tài sản nhà nước giao cho KBNN quản lý; Đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo KBNN các cấp trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hệ thống KBNN.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng thanh tra, kiểm tra, tháng 7/2023, Quy chế giám sát từ xa các hoạt động KBNN được ban hành. Quy chế này có ý nghĩa quan trọng, tạo đà vững chắc cho việc mở rộng hoạt động giám sát từ xa trong hệ thống KBNN; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong giám sát từ xa các hoạt động KBNN và kịp thời phòng ngừa rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động KBNN các cấp.

Mục đích của việc giám sát từ xa là để xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và KBNN trong các mặt hoạt động. Đồng thời, kịp thời phát hiện tồn tại, sai sót, vi phạm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ KBNN đảm bảo phù hợp với thực tiễn; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời tồn tại, sai sót, vi phạm. Đây cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất có trọng tâm, trọng điểm, từng bước đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát trong toàn hệ thống KBNN.

Theo KBNN, yêu cầu của việc giám sát từ xa là bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện giám sát từ xa; bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, liên tục, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ; không làm cản trở hoạt động bình thường của KBNN các cấp.

Sau hơn 1 năm thực hiện, Quy chế giám sát từ xa đã giúp số hồ sơ quá hạn tiếp nhận, xử lý trong đầu năm 2024 giảm đi rõ rệt so với đầu năm 2023. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2024, số hồ sơ quá hạn tiếp nhận đã giảm 55,3%; số hồ sơ quá hạn xử lý giảm khoảng 85%; số thông báo từ chối của giao dịch viên giảm 22,5%; số thông báo từ chối của lãnh đạo KBNN các cấp giảm 13,4%.

KBNN cho biết, việc giám sát từ xa cũng sẽ giúp KBNN kịp thời phát hiện tồn tại, sai sót, vi phạm trong các mặt hoạt động để kiểm tra, xác minh và báo cáo lãnh đạo KBNN các cấp xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho đối tượng giám sát từ xa thuyết minh, giải trình liên quan đến tồn tại, sai sót, vi phạm.

Trong quá trình thực hiện giám sát từ xa, KBNN đã sử dụng tối đa công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả phối hợp và tăng cường chất lượng giám sát từ xa. Theo đó, sau khi triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến trong toàn hệ thống, từ tháng 10/2021, KBNN đã thực hiện giám sát từ xa toàn bộ quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên dịch vụ công trực tuyến và công tác kế toán. Với việc hiển thị rõ ngày, giờ đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ thanh toán vốn sang kho bạc trên dịch vụ công trực tuyến; hiển thị tên công chức KBNN trực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đã giúp công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra dễ dàng nhận biết cá nhân, đơn vị nào nhận và giải quyết hồ sơ sai quy định, cũng như để hồ sơ tồn đọng quá lâu mà không rõ lý do, từ đó có chấn chỉnh kịp thời.

Nâng cao vị thế, vai trò của hoạt động thanh tra, kiểm tra

Mục tiêu, định hướng công tác thanh tra, kiểm tra đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là nâng cao vị thế, vai trò hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN; Hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng hệ thống thanh tra, kiểm tra chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030. Thực hiện mục tiêu này, KBNN đang tiếp tục kiện toàn lại bộ máy thanh tra, kiểm tra, đồng thời xây dựng các tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, làm cơ sở để thực hiện tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chi ngân sách trong thời gian tới.

Đặc biệt, KBNN sẽ tiếp tục mở rộng nội dung giám sát từ xa, tăng cường kiểm tra đột xuất; tập trung vào những nội dung, đơn vị có rủi ro cao trên cơ sở dữ liệu giám sát từ xa; xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh phát sinh theo quy định của pháp luật.

Trước mắt, trong năm 2024 và 2025, KBNN sẽ nỗ lực để đảm bảo các điều kiện giúp sớm vận hành phần mềm phục vụ công tác giám sát từ xa hoạt động KBNN, qua đó góp phần giảm thiểu các công việc thủ công và tăng cường phân cấp cho các KBNN tỉnh, thành phố trong thực hiện giám sát từ xa. Hiện KBNN đang nghiên cứu, xây dựng và hình thành kho dữ liệu riêng cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát để có một không gian riêng cho hoạt động phân tích dữ liệu lên quan đến thanh kiểm tra, giám sát mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ.

Theo KBNN, dự kiến năm 2025, hệ thống giám sát hoạt động KBNN trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại được vận hành. Thực hiện hệ thống này sẽ tạo thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát thường xuyên; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ của KBNN các cấp.

Đáng chú ý, ngoài các giải pháp đặt ra thì yếu tố quan trọng nhất giúp hiện thực hóa các mục tiêu chính là con người. Theo đó, KBNN sẽ xây dựng đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, có trình độ chuyên môn cao, số lượng và cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống KBNN. Hiện, KBNN đang tiếp tục cử công chức tham dự các lớp đào tạo về phân tích dữ liệu, quản trị dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng thời, KBNN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tìm kiếm các giải pháp phù hợp, những kinh nghiệm hay của KBNN các nước để áp dụng vào hoạt động giám sát.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2024