Đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành

Phạm Trọng Quý – Trưởng phòng Quyết toán tài chính đầu tư - Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính)

Quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành là một trong những khâu quan trọng trong thực hiện dự án đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay, việc quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty còn nhiều tồn tại, có tới hơn 13.700 dự án vi phạm quy định thời gian quyết toán, chiếm 18,9% dự án hoàn thành. Để đảm bảo quyết toán đúng quy định, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

Tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành hiện nay

Thực hiện quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và trên cơ sở số liệu báo cáo tình hình quyết toán dự án hoàn thành của các bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đã tổng hợp công khai tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, năm 2023, cả nước có 72.468 dự án đã hoàn thành cần thực hiện thủ tục quyết toán theo quy định, trong đó, dự án đã phê duyệt quyết toán là 45.668 dự án (chiếm 63%); dự án chưa phê duyệt quyết toán là 26.800 dự án (chiếm 37%). Tuy nhiên, có tới 13.716 dự án dự án vi phạm quy định thời gian quyết toán, chiếm 18,9% dự án hoàn thành, trong đó, vi phạm thời gian phê duyệt quyết toán là 5.760 dự án, vi phạm thời gian thẩm tra là 2.009 dự án, vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán là 5.947 dự án.

Về số lượng dự án

So với tổng số dự án hoàn thành năm 2023, một số đơn vị có tỷ lệ dự án đã phê duyệt quyết toán đạt từ 75% trở lên, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 63% như: Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang... Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị tỷ lệ dự án đã phê duyệt quyết toán thấp hơn nhiều tỷ lệ bình quân chung như: Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tài, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hòa Bình, Ninh Bình, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu...

Một số đơn vị có tỷ lệ dự án đã nộp hồ sơ quyết toán trong thời gian thẩm tra, phê duyệt theo quy định đạt từ 85% trở lên, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 81% như: Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bảo Hiểm xã hội Việt Nam, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh... Bên cạnh đó, còn nhiều đơn vị có tỷ lệ dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt, cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước là 19%, chủ yếu là các dự án do cấp huyện, cấp xã quản lý. Đây là trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

Một số đơn vị có tỷ lệ dự án chưa nộp hồ sơ quyết toán đúng quy định cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 67% như: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… Một số đơn vị có dự án vi phạm thời gian quyết toán cao hơn tỷ lệ vi phạm bình quân của cả nước là 33% như: Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Đắk Nông, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Về giá trị

Đến nay, có 45.668 dự án đã được phê duyệt quyết toán năm 2023 với tổng mức đầu tư là 438.683,25 tỷ đồng; tổng giá trị đề nghị phê duyệt quyết toán là 354.898,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80,9% tổng mức đầu tư; tổng giá trị được phê duyệt quyết toán là 352.719,23 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80,4% tổng mức đầu tư. Như vậy, giá trị đề nghị quyết toán cũng như giá trị quyết toán được phê duyệt chiếm tỷ lệ khoảng 80% giá trị tổng mức đầu tư được duyệt. Vốn đã giải ngân là 338.380,97 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 77,1% tổng mức đầu tư. Giá trị giảm trừ khỏi giá trị đề nghị quyết toán là 2.179,07 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 0,61% giá trị đề nghị quyết toán.

Có 8.807 dự án hoàn thành đã nộp hồ sơ quyết toán nhưng chưa thẩm tra, phê duyệt với tổng mức đầu tư là 250.978,39 tỷ đồng; tổng giá trị vốn đã thanh toán là 171.763,88 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 68,4% tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, có 17.993 dự án hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán với tổng mức đầu tư là 417.469,4 tỷ đồng; tổng giá trị vốn đã thanh toán là 302.671,24 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 72,5% tổng mức đầu tư.

Về số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí đến thời điểm báo cáo là 31.288,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 3.996,6 tỷ đồng. Đây là số vốn khá lớn, chiếm khoảng 4,6% kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 là 677.349 tỷ đồng, cao hơn năm 2022 (tỷ lệ 3,54%). Một số đơn vị có vốn còn lại phải bố trí đến thời điểm báo cáo lớn như: Bộ Giao thông vận tải (2.861 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 2.861 tỷ đồng), Phú Thọ (781 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 16,95 tỷ đồng), Bắc Giang (342,05 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 12,36 tỷ đồng), Quảng Ninh (2.570 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 29 tỷ đồng)…

Như vậy, việc các đơn vị chưa ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư công cho dự án có sử dụng vốn đầu tư công đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đặc biệt là các dự án đã được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành là vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, điểm c khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, khoản 1 Điều 4 Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành

Để đảm bảo công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành được thực hiện đúng quy định, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần chấp hành nghiêm chế độ báo cáo tình hình quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành năm 2023 do đơn vị mình quản lý. Đồng thời, cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành trong việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán đúng thời hạn quy định; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định về thời gian quyết toán (chậm lập, chậm nộp báo cáo quyết toán và chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán).

Đặc biệt, cần kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý theo quy định như: Công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm thời gian nộp quyết toán; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư vi phạm thời gian nộp quyết toán; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành. Bên cạnh đó, chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ quyết toán 5.947 dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ báo cáo quyết toán và cơ quan thẩm tra, phê duyệt khẩn trương thẩm tra, phê duyệt 2.009 dự án vi phạm thời gian thẩm tra, phê duyệt.

Các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án đã hoàn thành so với giá trị quyết toán được duyệt hoặc giá trị đề nghị quyết toán hoặc giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu là 31.288,8 tỷ đồng; Số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án đã nộp hồ sơ nhưng chưa thẩm tra, phê duyệt là 4.080,76 tỷ đồng; Số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán là 11.220,84 tỷ đồng. Trên cơ sở đó bố trí vốn để xử lý dứt điểm trong năm 2024, 2025 theo đúng quy định.

Ngoài ra, cần công khai danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán để thông báo cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án biết các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng. Không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới theo quy định.

Đối với các đơn vị thẩm tra, phê duyệt quyết toán, lập báo cáo tổng hợp quyết toán

Các đơn vị thẩm tra, phê duyệt quyết toán, lập báo cáo tổng hợp quyết toán cần hướng dẫn chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán đúng thời gian quy định; kịp thời báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện chủ đầu tư, ban quản lý dự án vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán. Đồng thời, chủ động rà soát tình hình thực hiện công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán thuộc phạm vi quản lý (đặc biệt là các dự án chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán), làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán để báo cáo người quyết định phê duyệt dự án đầu tư có biện pháp xử lý dứt điểm; hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện lập báo cáo đúng theo mẫu biểu quy định, đảm bảo số liệu chính xác, đúng thời gian quy định.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cần chấp hành nghiêm quy định về hồ sơ, báo cáo, thời gian lập quyết toán; thực hiện quản lý và lưu trữ hồ sơ theo đúng quy định để đảm bảo có đầy đủ hồ sơ khi quyết toán; rà soát số vốn đầu tư công còn lại phải bố trí của các dự án đã hoàn thành so với giá trị quyết toán được duyệt hoặc giá trị đề nghị quyết toán hoặc giá trị khối lượng hoàn thành được nghiệm thu để báo cáo cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn theo quy định; rà soát các dự án đầu tư đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng đến nay chưa thực hiện quyết toán; xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng dự án, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo người quyết định đầu tư xem xét xử lý dứt điểm tình trạng chậm quyết toán; chủ động phối hợp với nhà thầu thực hiện lập hồ sơ quyết toán hợp đồng và cung cấp hồ sơ theo quy định để phục vụ quyết toán.

Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành chưa đủ hồ sơ, chứng từ quyết toán, cần xác định rõ nguyên nhân chậm lập quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng dự án, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp xử lý. Đồng thời, cần rà soát lại các hợp đồng đã ký (đặc biệt là đối với các hợp đồng đã quá thời gian thực hiện, chưa quyết toán hợp đồng), các nội dung công việc không qua hợp đồng, căn cứ quy định của pháp luật về xây dựng (Luật Xây dựng và các Nghị định của Chính phủ...) và pháp luật về dân sự để phối hợp với các nhà thầu xử lý giải quyết các vấn đề còn vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các bên theo nguyên tắc thương lượng, hòa giải, sử dụng trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại tòa án theo hợp đồng đã ký và quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả xử lý vướng mắc nêu trên, chủ đầu tư thực hiện quyết toán hợp đồng, quyết toán các nội dung công việc đã thực hiện, lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành để làm cơ sở cho việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo quy định.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2019), Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14;
  2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2020), Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025;
  3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Quốc hội;
  4. Chính phủ (2021), Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công;
  5. Bộ Tài chính (2023), Công văn số 4655/BTC-ĐT về việc công khai tình hình quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành năm 2023.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2024