Để các doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh
Những con số thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã cho thấy những khó khăn của khối doanh nghiệp tư nhân trong thời gian trước 2017. Thế nhưng, giữa những trùng điệp khó khăn ấy, vai trò của các hội nghề nghiệp với sự sống còn của doanh nghiệp tư nhân dường như vẫn chưa thực sự xứng tầm.
Cho đến nay, khoảng 96% các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ. Con số này tuy có dao động và khác nhau chút ít giữa các nhận định nhưng nhìn chung không hề có xu hướng giảm đi trong hơn chục năm qua.
Còn theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về kết quả hoạt động của DN tư nhân từ năm 2006 đến năm 2008, thậm chí đến tận năm 2011 - thời điểm tâm bão khủng hoảng tài chính đang đổ bộ khắp nơi, tỷ lệ DN nói có bỏ thêm vốn đầu tư mở rộng hoạt động luôn đạt ở mức hai con số.
Tuy nhiên, xu hướng này đã bất ngờ đảo chiều, và đến năm 2016 chỉ còn lại 10,9%. Tương tự, ở giai đoạn 2006 - 2011, quy mô lao động trung bình là 31,6 người đến 45,4 người/DN. Nhưng đến năm 2016 chỉ còn lại 26,6 người/DN. Tỷ lệ DN báo lãi giai đoạn 2006 - 2011 cũng luôn ở mức trên 70%. Tuy nhiên, đến năm 2016, con số này chỉ còn 65%.
Vì sao DN tư nhân mãi không lớn được? Một số giải thích từ quan điểm vĩ mô cho rằng vì DN tư nhân tại Việt Nam vẫn khá non trẻ, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn lực xã hội lại khó khăn. Khó khăn khi tìm kiếm một mặt bằng sản xuất, kinh doanh “đủ đẹp” ở các trung tâm kinh tế lớn có thể được xem là một ví dụ điển hình cho lập luận này.
Tuy nhiên, từ phía các nhà nghiên cứu kinh tế, điều này chưa hẳn là đầy đủ. Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Trần Du Lịch nhìn nhận rằng các khuôn khổ chính sách và thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi DN đang được khẩn trương rà soát, cải thiện dần. Có điều chuyện các DN liên kết - đoàn kết dưới một “mái nhà chung” để cùng tạo ra năng lực cạnh tranh, cùng phát triển vẫn còn chưa tốt.
“Cứ một anh làm ăn được thì xuất hiện ngay những anh làm gian, làm dối, ăn cắp nhãn hiệu, làm hàng giả. Trong khi một bên đầu tư cả chục năm thì bên kia chỉ phá hoại trong tích tắc. Rồi chủ yếu vẫn làm ăn theo kiểu mạnh ai nấy… mạnh!!!”. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, không thể chỉ đòi hỏi nhà nước phải nghiêm trị các vấn nạn để lập lại trật tự và công bằng cho thị trường mà trước hết tự thân khu vực tư nhân cũng phải có những hội nghề nghiệp thực sự đủ mạnh, có thể tẩy chay, loại trừ các DN làm ăn gian dối. “Các hiệp hội hiện nay hầu như là hoạt động theo kiểu dĩ hòa vi quý nên DN chưa thực sự vững vàng là vậy”, ông Lịch nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhận xét các hội nghề nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, bị hạn chế lớn về nguồn lực chuyên môn, tài chính, đất đai. “Tiếng nói” không lớn nên các đóng góp cho chính sách chung của ngành nghề chưa thực sự được lắng nghe kịp thời. Trong khi đó DN hội viên lại thường có tâm lý không muốn đóng góp nhiều cho các hội nhóm này. Khó khăn về tài chính lại khiến nhiều hội nghề nghiệp thiếu nguồn nhân lực tâm huyết và am hiểu chuyên môn. Trong khi đó, DN hội viên vẫn “bằng mặt mà không bằng lòng” nên các chủ trương và đồng thuận khó có được sự triển khai thống nhất trên thực tế. Cái vòng luẩn quẩn “quả trứng - con gà” cứ thế mà lặp đi lặp lại mãi.
Làm sao rộng cửa đầu vào lẫn đầu ra?
Vậy làm sao giúp DN tư nhân “lớn” lên nhanh hơn trong khi chờ đợi các hội nghề nghiệp “trưởng thành”? Theo thống kê của VCCI, hai vướng mắc hàng đầu trong số hàng loạt khó khăn được DN tư nhân kể ra là tìm kiếm nguồn vốn (đầu vào) và tìm kiếm khách hàng (đầu ra). Theo đó, khảo sát đã cho thấy khách hàng chính của DN tư nhân hiện nay chủ yếu là các cá nhân hoặc DN tư nhân khác. Tương tự, chỉ 38% DN siêu nhỏ vay được vốn ngân hàng.
Dẫu vậy, trong chuyến kiểm tra cải cách thủ tục hành chính ngành ngân hàng tại TPHCM hồi tháng 10 năm 2017, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trần tình rằng “DN nhỏ và vừa “tay không bắt giặc” nhiều quá, tài sản thế chấp không có gì còn dự án thì rất to, vay số tiền rất lớn, lại không có gì chứng minh tính khả thi trong khi tiền ngân hàng là tiền huy động của dân”.
Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng chia sẻ cho vay DN nhỏ, DN khởi nghiệp là bài toán rất đau đầu với nhiều ngân hàng thương mại. “Đôi khi chả có gì làm tin, chúng tôi chỉ có cách …nhìn vào mắt người đi vay để đọc lấy nhiệt huyết, quyết tâm và năng lực của họ, sau đó dự đoán tỷ lệ thành công để cho vay!!!”
Dù sao, trong một viễn cảnh khi Luật Hỗ trợ SMEs chính thức có hiệu lực đầu năm 2018, những DN tư nhân, DN khởi nghiệp có thể sẽ “rộng cửa” hơn khi tìm kiếm vốn đầu tư từ rất nhiều kênh khác. Trong đó, có thể có nguồn vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm thành lập tại Việt Nam.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho hay hiện “Khu Công nghệ cao TPHCM đang vận động thành lập quỹ Đầu tư mạo hiểm, chỉ cần có văn bản pháp lý là sẽ chính thức ra mắt và vận hành”.
Ngoài ra, bên cạnh mô hình vườn ươm đang được khuyến khích thành lập để hỗ trợ DN ở nhiều mặt, thì chủ trương lập sàn chứng khoán để SMEs và startups có thêm kênh huy động vốn, đặc biệt là vốn đầu tư từ các tổ chức, cũng đang được các cơ quan chức năng có liên quan xúc tiến song song, với lời “hối thúc” của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ từ hơn một năm về trước, rằng “Chính phủ muốn có sàn giao dịch này ngay trong 2-3 năm tới”.
Cũng quan trọng không kém, đó là đầu ra cho DN. Có sản phẩm – dịch vụ rồi nhưng bán ở đâu và bán cho ai cũng đang là mối âu lo thường trực với DN tư nhân, đặc biệt là các startups.
Vì vậy, theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ cao (thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM), hỗ trợ thiết thực nhất cho nhóm DN này là “giúp họ tham gia các hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhà nước; tạo điều kiện cho họ có hợp đồng đầu tiên để xây dựng uy tín ban đầu, đồng thời có nguồn thu để nghiên cứu, cải tiến, phát triển sản phẩm mới”. Chỉ có thế mới có thể thúc đẩy cả chất lượng lẫn số lượng dự án khởi nghiệp.
Người đại diện cho Hội Công nghệ Tin học TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn cũng mong mỏi nhà nước mở thêm nhiều cơ hội ứng dụng trong lĩnh vực công hơn nữa để đông đảo SMEs có thể tiếp cận chứ không chỉ có DN lớn mới có “lợi thế”.