Để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đi vào thực chất
Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để chủ động thích ứng trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Hoàn thiện thể chế, chính sách là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu để đổi mới thực chất mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Chuyển biến theo hướng tích cực
Thời gian qua, các chính sách vĩ mô như: chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, thu hút đầu tư… đã trở thành công cụ trong cơ chế vận hành mô hình tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, thể chế, chính sách tài chính đã liên tục được cải cách. Đặc biệt, chính sách thuế, hải quan liên tục được đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ; Cơ chế chính sách về thị trường tài chính, bảo hiểm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường, tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và nguồn lực cho đầu tư sản xuất… Việc hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính toàn diện thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhờ đó, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua có sự chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Theo Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính, mặc dù nền kinh tế trong nước liên tục đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, song tăng trưởng GDP vẫn được duy trì ở mức khá, phục hồi rõ nét hơn trong giai đoạn 2016 – 2018. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,91%; riêng năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất trong cả giai đoạn. Tính chung trong cả giai đoạn 2011 - 2018 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 6,21%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Cùng với tốc độ tăng trưởng khá, nền kinh tế của Việt Nam từng bước chuyển dịch sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng của nền kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Trong đó, đóng góp của ngành công nghiệp và xây dựng vào GDP theo giá sản xuất đã tăng từ 38,23% trong năm 2010 lên 39,54% trong năm 2018; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng nhanh, trong khi đó ngành Khai khoáng cho xu hướng giảm.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được cải thiện, đặc biệt là chỉ số lạm phát. Sau một số năm đầu ở mức cao của thời kỳ 2011 - 2018, kể từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ lạm phát từng bước được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm từ 18,6% năm 2011 xuống 3,5% năm 2018 và ổn định ở mức dưới 4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2018. Lạm phát cơ bản giảm tương ứng từ 13,6% năm 2011 xuống khoảng 1,5% năm 2018.
Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh từ mức 96,9 tỷ USD trong năm 2011 lên 243,5 tỷ USD năm 243,5 tỷ USD năm 2018 đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế những năm qua. Không những thế, cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến, nguyên vật liệu, linh kiện và phụ tùng cho sản xuất, giảm tỷ trọng nhóm hàng thô và tài nguyên.
Năng suất lao động của Việt Nam những năm qua đã có sự cải thiện đáng kể. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2016 đạt 84,5 triệu đồng/lao động; năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/lao động; năm 2018 đạt 102,2 triệu đồng/lao động…
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tiễn cho thấy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa bền vững. Theo Ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn tăng trưởng theo chiều rộng, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp.
Bên cạnh đó, tốc độ chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng dịch vụ hóa còn chậm. Hiện ngành dịch vụ chỉ đóng góp khoảng 40% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới; Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong hoàn thiện thể chế thị trường…
Do đó, để đổi mới thực chất mô hình tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Theo ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), trước hết, cần tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý, chính sách đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và minh bạch, phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế.
Đồng thời, loại bỏ điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh và quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; Xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trên trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước; Sớm cải cách cơ bản luật pháp về quản lý đất đai để phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất…