Cải cách chính sách thuế thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế


Trong xu thế vận động mới của thế giới, cùng với những thách thức nội tại, yêu cầu thực tiễn Việt Nam phải thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cho phù hợp. Qua đó cũng đòi hỏi hệ thống chính sách tài chính nói chung và chính sách thuế phải được tiếp tục hoàn thiện để vừa tạo động lực thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, vừa phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2001 - 2010, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng, động lực tăng trưởng phụ thuộc vào gia tăng vốn đầu tư, gia tăng số lượng lao động và định hướng phát triển sản xuất theo hướng xuất khẩu.

Từ cuối năm 2008, suy thoái và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nước, trong đó tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính, ngân hàng và suy giảm của thị trường tiêu dùng. Trong khi đó, phần lớn hoạt động sản xuất phục vụ cho lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi sự suy yếu từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đây là những thị trường truyền thống lại chịu tác động lớn nhất bởi khủng hoảng kinh tế.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kể từ năm 2008, Nhà nước đã thực hiện chính sách tài chính, giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp trên diện rộng. Theo đó, mức thuế suất phổ thông đã được giảm từ 28% xuống còn 25% từ năm 2009, 22% từ năm 2014, xuống 20% từ năm 2016, nhờ đó đã tạo điều kiện thu hút đầu tư và tích lũy, khuyến khích thành lập doanh nghiệp đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Từ năm 2014, tiếp tục bổ sung chính sách tài chính ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, có quy mô vốn đầu tư lớn và sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới phù hợp với quy định của Luật Công nghệ cao; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 đã điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Đối với Luật Phí và Lệ phí năm 2015, thực thi kể từ năm 2017, đã chuyển nhiều loại phí sang thực hiện theo cơ chế giá góp phần thu hút nguồn lực xã hội tham gia cung cấp dịch vụ công, khuyến khích đổi mới công nghệ, đa dạng hóa và giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ…

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, kể từ năm 2011 đến nay, quy mô thu ngân sách nhà nước đã tăng gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, trong đó thu nội địa khoảng 5,1 lần; thu từ dầu thô khoảng 1,3 lần và thu cân đối từ hoạt động xuất - nhập khẩu khoảng 2,9 lần. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 24,4% GDP, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 20,7% GDP.

Định hướng chính sách thuế cho giai đoạn tới

Trong giai đoạn tới, cùng với quá trình hội nhập, tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang ngày một gay gắt, xu hướng bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa dân túy đang là rào cản đà tăng trưởng chung. Trong giai đoạn tới, ngành Tài chính cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, cụ thể:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã đặt ra tại các Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 25/2016/QH14.

Hai là, đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, tính nhất quán, rõ ràng, giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Ba là, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng và tương thích với các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự...

Bốn là, đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá...