Để đồng vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao

PV.

Vốn đầu tư công luôn là động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, là bộ phận không thể thiếu trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia. Vậy làm thế nào để phát huy hiệu quả nguồn vốn này luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

Việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công cần có sự đảm bảo đồng bộ trong đột phá thể chế, thúc đẩy cải cách thể chế từ vĩ mô đến vi mô
Việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công cần có sự đảm bảo đồng bộ trong đột phá thể chế, thúc đẩy cải cách thể chế từ vĩ mô đến vi mô

Thực trạng hiệu quả đầu tư công

Thời gian qua, tổng vốn đầu tư của toàn xã hội liên tục tăng mạnh, với tỷ lệ tăng bình quân là 12.7%/năm. Trong đó, vốn đầu tư công luôn chiếm tỷ trọng lớn, bình quân là 40% và tăng trưởng nhanh, tỷ lệ tăng bình quân là 12%/năm.

Bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước thì vốn đầu tư công của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, nhất là hiệu quả đầu tư.

Một số chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi đã làm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm sút và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Có thể thấy tốc độ gia tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng như vốn đầu tư công khá cao qua các năm nhưng tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức thấp.

Đặc biệt, trong năm 2009 và 2012, tốc độ tăng của vốn đầu tư công rất cao (tương ứng là 37.31% và 19.01%) nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt tương ứng là 5.32% và 5.03%.

Điều này chứng tỏ hiệu quả sử dụng các đồng vốn đầu tư công không cao. Vấn đề này được nhìn nhận rõ hơn bằng việc xem xét hệ số suất đầu tư hay còn gọi là hệ số sử dụng vốn (Incremental Capital Output Ratio – ICOR).

Trên thực tế, việc gia tăng GDP có thể bị tác động bởi nhiều nhân tố chứ không chỉ mỗi gia tăng vốn đầu tư. Do vậy, việc xác định ICOR thường giả định mọi nhân tố khác không đổi và chỉ có gia tăng vốn dẫn đến gia tăng GDP.

So với tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank), hệ số này ở các nước đang phát triển đạt mức 3.0 là hiệu quả thì Việt Nam có ICOR khá cao, giai đoạn 2007-2014 đều trên 5.

Mặc dù, đã có sự cải thiện ở giai đoạn 2015-2016 (<5) nhưng vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Hệ số này trong thời kỳ 2011 - 2013 của Malaysia là 5,4 lần, Indonesia là 4,64 lần, Philippines là 4,1 lần và Lào là 2,59 lần.

Để nâng cao hiêu hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, trong những năm tới cần thực hiện tái cơ cấu kinh tế sâu rộng quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý công, tập trung thống nhất về phạm vi đầu tư. Trên cơ sở đó, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, xây dựng và thực hiện hệ thống thông tin phục vụ công tác chuẩn bị lập dự án ngân sách, có quy trình quản lý, cập nhật kịp thời tình hình thu chi ngân sách để cho các cấp chính quyền thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Tập trung đầu tư công vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, giám sát và phân bổ vốn đầu tư theo các nguyên tắc và tiêu chí đã đưa ra, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Đối với các công trình xây dựng cơ bản thì cần kiên quyết thu hồi các khoản tạm ứng và xử lý dứt điểm nợ tồn đọng.

Đặc biệt, cần tăng cường kỷ luật tài chính trong quản lý vốn đầu tư công, ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm pháp luật.

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội. Giảm dần tỷ trọng đầu tư từ NSNN (<40%) và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư công của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài để tăng dần tỷ trọng vốn ở các khu vực này.

Có thể khẳng định, việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công cần có sự đảm bảo đồng bộ trong đột phá thể chế, thúc đẩy cải cách thể chế từ vĩ mô đến vi mô, tạo động lực về chất cho sự phát triển của đất nước.