Đề phòng thêm những “Hanjin” và hệ lụy
Trao đổi với phóng viên xung quanh vụ việc hãng tàu vận tải Hàn Quốc Hanjin (một trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới) phá sản, ông Phan Thông – Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho biết, dù đến thời điểm này, Hiệp hội chưa nhận được thông tin phản hồi chính thức nào từ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc phá sản của Hanjin chắc chắn ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, bởi chi phí sẽ bị đội lên khi hàng hóa phải chuyển sang một hãng tàu khác.
Theo ông Thông, đây là lần đầu tiên có một hãng tàu lớn trên thế giới, có chi nhánh đang hoạt động ở Việt Nam tuyên bố phá sản, còn trước đây cũng có một số hãng tàu gặp khó khăn, họ chỉ rút văn phòng khỏi Việt Nam chứ không tuyên bố phá sản.
Phóng viên: Trước sự việc này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Hiệp hội chủ hàng có biết được thông tin Hanjin đang gặp khó khăn về tài chính để cảnh báo doanh nghiệp không, thưa ông?
Ông Phan Thông: Trong sự việc lần này, chúng tôi chỉ biết được thông tin khi các chủ nợ, tức là các nhà đầu tư đầu tư vào Hanjin không chấp nhận tiếp tục “rót” tiền vào hãng này nữa, còn trước đó họ khá kín tiếng. Nên nhớ, trong kinh doanh, ngay cả các hãng lớn việc nợ nần chỗ này, chỗ kia là điều bình thường.
Đặc biệt, thời gian vừa qua kinh tế toàn cầu khó khăn, các hãng tàu vận tải cũng găp khó nên rõ ràng bảo biết trước họ khó khăn mình không thuê tàu của họ nữa thì cũng rất khó.
Thực tế, các chủ hàng Việt Nam giờ đây không chỉ lo việc các hãng tàu bắt tay tăng giá cước mà nguy cơ các hãng tàu phá sản như trường hợp Hajin có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thưa ông?
Đúng vậy! Hanjin là hãng tàu số 1 Hàn Quốc và đứng thứ 7 thế giới còn như vậy, thì nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ hãng tàu nào khác. Việc phá sản của các hãng tàu chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thuê hãng tàu này vận chuyển nên cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay, nhất là đây đang là mùa cao điểm tập kết hàng hóa cho các thị trường cuối năm.
Công bằng mà nói, chi phí vận tải, dịch vụ…của Hanjin rất chuyên nghiệp và uy tín thì tại sao doanh nghiệp lại không thuê. Hơn nữa, Hanjin lại nằm trong liên minh gồm 5 hãng tàu, luôn có khả năng san sẻ bù đắp tàu cho nhau. Nói như vậy để thấy, việc phá sản của Hanjin doanh nghiệp Việt Nam không thể biết trước để đề phòng.
Hiện nay các đội tàu lớn của nước ngoài thống trị 99% thị trường vận tải biển Việt Nam. Các hãng tàu nước ngoài còn bắt tay nhau liên tục tăng cước phí, không chỉ cước phí mà tăng cả phụ phí, đây vẫn là vấn đề gây bức xúc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo ông trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam đang có hàng hóa thuê tàu của Hanjin vận chuyển sẽ phải làm gì để giảm thiểu các rủi ro?
Ở góc độ Hiệp hội, chúng tôi cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp cần tìm các hãng tàu khác để kịp thời vận chuyển các đơn hàng tiếp theo cho kịp tiến độ giao hàng. Còn những doanh nghiệp nào đang có hàng hóa trên tàu của Hanjin cần bình tĩnh nghe ngóng, thu xếp tìm phương án chuyển sang hãng khác.
Cần nhắc lại rằng, ở thời điểm này, tòa án chưa chính thức phán quyết Hanjin phá sản nên chưa có động thái của tòa án giữ các phương tiện vận tải của Hanjin, chỉ khi tòa án chính thức tuyên bố Hajin phá sản thì mới giữ phương tiện để phát mại. Chỉ khi đó hàng hóa mới bị ứ đọng và phải chuyển sang tàu hàng của hãng khác.
Tuy nhiên, qua sự việc này, các doanh nghiệp phải thường xuyên update tình hình vận tải hàng hóa, tình hình kinh doanh của các hãng tàu để “chọn mặt, gửi vàng”.
Như tôi đã phân tích ở trên, việc kinh doanh của các hãng tàu rất đa dạng, việc là “con nợ” chỗ này nhưng lại là “chủ nợ” chỗ kia là điều bình thường. Tuy nhiên khi ký các hợp đồng và doanh nghiệp được quyền chỉ định thuê tàu thì cần phải tìm hiểu kỹ và tìm các bên tư vấn trước khi chọn hãng nào.
Xin cảm ơn ông!