Để thị trường điện cạnh tranh lành mạnh và vận hành hiệu quả hơn
(Tài chính) Kể từ ngày vận hành chính thức (1/7/2012) đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) đã có những thành công đáng kể, góp phần quan trọng vào việc minh bạch hóa và tăng tính cạnh tranh trong khâu phát điện trên toàn quốc, hạn chế tác động tăng giá điện trên thị trường.
Những thành công đầu tiên của công tác vận hành thị trường điện:
+ Đảm bảo được hệ thống điện vận hành một cách an toàn, không phải ngừng do những khó khăn về vận hành, kể các các thời điểm khó khăn như cắt khí PM3-CAA (cấp khí cho nhà máy điện Cà Mau), cắt khí Nam Côn Sơn (cấp khí cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch và Bà Rịa); huy động các nhà máy thủy điện phía Bắc để cấp nước cho đổ ải Vụ Đông Xuân; huy động các nhà máy điện để đảm bảo an toàn cung cấp điện trong các dịp lễ,Tết …
+ VCGM đang dần trở thành một tín hiệu hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực phát điện, các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường đều có cơ hội để đạt doanh thu và lợi nhuận hợp lý. Ngoài ra, việc tính toán thanh toán cho các nhà máy đã được thực hiện nhanh chóng, chính xác mặc dù khối lượng công việc tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
+ Các đơn vị phát điện cũng chủ động hơn nhiều trong chiến lược kinh doanh của mình và được cung cấp nhiều thông tin hơn khi tham gia thị trường điện (các số liệu về phụ tải hệ thống điện, các ràng buộc trên hệ thống truyền tải, việc huy động của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu được cung cấp đầy đủ hàng ngày).
+ Quy mô thị trường đang dần mở rộng. Dự kiến, thị phần số nhà máy trực tiếp tham gia thị trường sẽ tăng từ 42% của năm 2014 lên gần 70% tổng mức công suất đặt của các nhà máy toàn hệ thống trong năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2015 sẽ có 77 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện.
+ Công tác vận hành điện được minh bạch hóa và giúp cho các đơn vị tham gia thị trường cũng như các nhà đầu tư tiềm năng thêm tin tưởng vào việc tham gia vào lĩnh vực phát điện trên hệ thống điện Việt Nam.
Để đạt được các kết quả trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và rà soát các quy trình thanh toán trong thị trường phát điện cạnh tranh, bảo đảm tính chặt chẽ, công bằng và phù hợp với các quy định hiện hành về công tác kế toán, tài chính.
Tuy nhiên, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam vẫn còn có một số hạn chế nhất định, cụ thể:
+ Tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường vẫn còn chưa cao và tăng chậm, làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành thị trường điện;
+ Việc mở rộng đối tượng tham gia thị trường phát điện đối với các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu còn lúng túng;
+ Chưa xác định được cơ chế cho các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT tham gia thị trường điện...
Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần khắc phục sớm các hạn chế trên. Bộ Công Thương phải trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện sẽ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, sớm hoàn thiện các điều kiện tiên quyết, đồng bộ với giai đoạn chuẩn bị vận hành thương mại, để sớm đưa các nhà máy điện mới tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư nâng cấp, đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện; Tiếp tục chỉ đạo phát triển lưới điện truyền tải đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy trong các chế độ vận hành của thị trường điện. Trước mắt bổ sung các công cụ để xử lý nghẽn mạch truyền tải trên hệ thống, đảm bảo tính minh bạch trong vận hành thị trường điện.
Hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh
Để thị trường phát điện nhanh chóng vận hành đáp ứng yêu cầu quản lý, cung cấp và tiêu dùng điện, Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM), báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2015. Trong đó, phải xác định yêu cầu độc lập của Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (SMO) phù hợp với yêu cầu vận hành VWEM và hệ thống điện quốc gia. Cân nhắc kỹ lộ trình tách SMO ra độc lập phù hợp với yêu cầu bảo đảm ổn định và an ninh cung cấp điện, kết hợp với việc nâng cao tính minh bạch, công bằng trong vận hành VWEM.
Đồng thời xác định rõ yêu cầu độc lập của Cơ quan điều tiết điện lực trong việc phát triển thị trường điện lực cạnh tranh qua các cấp độ, qua đó xác định lộ trình tách Cơ quan điều tiết điện lực độc lập, phát triển Hội đồng/Ủy ban điều tiết điện lực trong tương lai; xây dựng cơ chế tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và các nhà máy điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT.
Xây dựng kế hoạch các bước triển khai VWEM phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trong đó xem xét thí điểm VWEM ban đầu theo mô hình tính toán trên giấy (Paper Market) để có số liệu đánh giá các rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện thị trường.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương, tạo điều kiện để xúc tiến và đẩy nhanh tiến độ thu xếp nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác xây dựng và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu xây dựng khung pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển thị trường điện theo đúng lộ trình được duyệt.