Đề xuất mức giá thanh toán tiền giường giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh
Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ/ngành. Đáng chú ý, dự thảo Thông tư đề xuất áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo Thông tư đề xuất quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc Danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ BHYT thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ/ngành.
Áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường khám chữa bệnh
Dự thảo Thông tư nêu rõ, số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ ngày vào viện cộng áp dụng đối với các trường hợp:
- Người bệnh nặng đang điều trị nội trú mà tình trạng bệnh chưa thuyên giảm, tử vong hoặc diễn biến nặng lên nhưng gia đình xin về hoặc chuyển viện lên tuyến trên.
- Người bệnh đã được điều trị tại tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị nội trú được chuyển về tuyến dưới hoặc sang cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ ngày vào viện áp dụng đối với các trường hợp còn lại.
Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày (hoặc vào viện ngày hôm trước, ra ngày hôm sau) có thời gian điều trị trên 4 giờ đến dưới 24 giờ thì được tính là 01 ngày điều trị.
Trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị từ 4 giờ trở xuống (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.
Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú.
Trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển 2 khoa thì mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày.
Trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển từ 3 khoa trở lên thì giá dịch vụ ngày giường bệnh hôm đó được tính bằng trung bình cộng tiền ngày giường bệnh tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền ngày giường bệnh cao nhất và tại khoa có thời gian nằm điều trị trên 4 giờ có mức giá tiền ngày giường bệnh thấp nhất.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng: Áp dụng tối đa không quá 10 ngày sau một lần phẫu thuật.
Từ ngày thứ 11 sau phẫu thuật trở đi thì áp dụng mức giá ngày giường nội khoa theo các khoa tương ứng quy định tại mục 3 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính cho 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng.
Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường bệnh tương ứng...
Đề xuất mức giá dịch vụ khám chữa bệnh
Bên cạnh quy định trên, dự thảo Thông tư đề xuất giá dịch vụ khám bệnh của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ/ngành.
Mức giá đề xuất thanh toán cụ thể như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I là 42.100 đồng; bệnh viện hạng II 37.500 đồng; bệnh viện hạng III 33.200 đồng; bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã 30.100 đồng.
Giá Hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) 200.000 đồng.
Giá dịch vụ khám bệnh của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/Ngành được đề xuất cụ thể theo bảng sau:
Thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp
Theo dự thảo Thông tư, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì việc thanh toán tiền khám bệnh thực hiện theo quy định.
Trường hợp không đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh nhưng đến khám bệnh và vào điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng theo yêu cầu chuyên môn thì không thanh toán tiền khám bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng, người đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh và khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng thì được tính như khám bệnh tại khoa khám bệnh. Việc tính số lần khám bệnh, mức giá thực hiện theo quy định.
Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế (có thể trong cùng một ngày hoặc do điều kiện khách quan hoặc yêu cầu chuyên môn nên chưa hoàn thành được quá trình khám bệnh trong ngày, phải tiếp tục khám bệnh trong ngày tiếp theo), người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của 01 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 02 lần mức giá của 01 lần khám bệnh.
Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 2 trở đi trong một ngày. Việc thanh toán thực hiện theo quy định.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Thông tư nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám bệnh theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh.
Đối với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/01 ngày: Cơ quan BHXH chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Trong thời gian tối đa 01 quý, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn có bàn khám bệnh trên 65 lượt/ngày thì cơ quan BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám bệnh đó.