Đề xuất phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với thuốc lá
Để chống thất thu ngân sách cũng như góp phần giảm tiêu thụ thuốc lá, gần đây nhiều ý cho rằng Việt Nam phải tính toán lại phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng khá đặc thù này.
Theo các chuyên gia, để giảm tiêu thụ thuốc lá, chống thất thu cho ngân sách, hiện nay tại hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Về phương thức đánh thuế, theo ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Trường Đại học Duy Tân, có 3 phương thức thu thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá gồm: Mức tuyệt đối, mức thuế suất phần trăm, kết hợp mức tuyệt đối với thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (tức là phương pháp hỗn hợp).
Ở hình thức đánh thuế tuyệt đối - là loại thuế thu một khoản tiền thuế nhất định trên mỗi đơn vị của sản phẩm như theo bao thuốc, theo trọng lượng, theo tút, theo điếu. Tại Đông Nam Á, Singapore và Philippines đang áp dụng theo hình thức này và mang lại những kết quả nhất định như giảm các sản phẩm thuốc lá giá rẻ trên thị trường, qua đó làm giảm sử dụng thuốc lá ở trẻ em và thanh thiếu niên; đồng thời làm giảm nguy cơ chuyển giá giữa các nhà sản xuất và các công ty phân phối. Đặc biệt, ghi nhận tại Philippines, doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 1 năm, từ 680 triệu USD năm 2012 lên 1,66 tỷ USD năm 2013, mặc dù tiêu thụ giảm. Doanh thu thuế tiếp tục tăng lên thành 2,2 tỷ USD vào năm 2015.
Với hình thức thuế hỗn hợp, Bộ Tài chính cho biết hiện khá phổ biến tại các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể như Lào (áp dụng mức thuế suất 15 - 30%/giá xuất xưởng của nhà sản xuất và cộng thêm 500 kip Lào hoặc 0,07 USD/bao thuốc lá bán ra); Malaysia (áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,19 ringgit Malaysia/điếu và 20% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra); Thái Lan (áp dụng mức thuế suất 87% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra và 1 bath hoặc 0,03 USD cho mỗi gam thuốc lá bán ra). Trung Quốc cũng áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với một số loại thuốc lá (đối với thuốc lá nhóm A, mức thuế suất là 45% cộng với 0,003 NDT cho mỗi điếu).
Phương pháp thứ hai là đánh thuế theo tỷ lệ phần trăm - nghĩa là được tính theo tỷ lệ phần trăm của giá trị các sản phẩm hoặc cơ sở tính thuế. Hiện tại Việt Nam đang áp dụng theo hình thức này với mức thuế khoảng 75%. Tuy vậy, theo phân tích của Luật sư Nguyễn Quang Thịnh - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, hình thức này bộc lộ một số nhược điểm như tăng nguy cơ chuyển giá của các nhà sản xuất, khuyến khích sự sẵn có của thuốc lá giá rẻ - qua đó tăng khả năng tiếp cận thuốc lá ở trẻ em và làm giảm hiệu quả của việc tăng thuế.
Từ những bất cập trên, gần đây Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế thuốc lá theo 2 phương án. Trong đó, phương án 1 là áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp (thu theo thuế suất tỷ lệ như hiện nay và thuế suất tuyệt đối). Phương án 2 là tăng thuế suất thuế phần trăm và theo lộ trình tăng dần theo các năm. Trong 2 phương án này, Bộ Tài chính đề xuất theo phương án 1 bởi đây là phương án nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Theo đó, việc bổ sung thuế suất tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá sẽ có hiệu quả cao hơn trong việc phòng ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ và người có thu nhập thấp; giúp giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá hiện có trên thị trường nội địa; giúp hạn chế việc chuyển giá giữa nhà sản xuất và các công ty phân phối.
Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh dịch COVID phức tạp như hiện nay đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó cần cân nhắc để có lộ trình tăng thuế hợp lý.
Cũng liên quan đến vấn đề tăng thuế, trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội- cho rằng, tăng thuế vấn đề rất phức tạp, phải đánh giá tác động cẩn trọng. Bởi nếu như tăng thuế tiêu thụ thuốc lá phải đi đôi với chống buôn lậu thuốc lá. Vì nếu chỉ tăng mà không chống được buôn lậu thì sẽ phản tác dụng, dẫn đến kích thích buôn lâu thuốc lá, lúc đó lợi nhuận buôn lậu thuốc lá có khi còn cao hơn ma túy, giá thuốc lá lên quá cao mà buôn lậu đẩy buôn lậu lên.
Cùng với việc tăng thuế TTĐB, đại diện của Vụ pháp chế Bộ Tài chính đề xuất, ngoài việc đánh thuế để giảm tiêu thụ thuốc lá chúng ta đầu tiên phải giảm cầu, vì có cầu mới có cung. Và để giảm cầu, quan trọng nhất vẫn là truyền thông thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Theo vị này, dù chúng ta đã thực hiện truyền thông nhưng thực tế chưa hiệu quả, chưa phù hợp và phải có phương pháp đổi mới lại cách thức truyền thông trong thời gian tới.
Để truyền thông về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng, năm 2013 Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được thành lập. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020, số thu của Quỹ là hơn 795 tỷ đồng, tỷ lệ thu khoản đóng góp bắt buộc đạt 107% so với kế hoạch. Tuy nhiên tỷ lệ giải ngân của Quỹ còn chưa đạt kế hoạch khi năm 2019 chỉ ở mức 42% và năm 2020 là 53% so với kế hoạch. Đánh giá về hiệu quả của Quỹ này, tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 10/2021, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, nguồn thu Quỹ lớn nhưng việc chi đạt kết quả thấp cho thấy chi cho công tác truyền thông chưa hợp lý, chưa đạt hiệu quả và cần phải tính toán lại. |