Đề xuất sửa đổi quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô để khắc phục những tồn tại, hạn chế quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Dự thảo Nghị định đề xuất cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm.
Cần thiết phải sửa đổi quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
Theo Bộ Tài chính, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTC, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BYT đã tạo lập hành lang pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, dự toán, giao, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng, sử dụng, xử lý xe ô tô.
Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là việc tổ chức phổ biến, quán triệt tới các đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách và các đối tượng liên quan; ban hành văn bản quyết định về định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung đối với các đơn vị trung ương có phạm vi quản lý trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, các đơn vị trung ương và địa phương có trụ sở đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, đại bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt, xe gắn thiết bị chuyên dùng, xe gắn biển hiệu nhận biết, xe ô tô tải, xe ô tô bán tải, xe ô tô trên 16 chỗ ngồi quy định tại khoản 1 đến khoản 16 Điều 17 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 04/2019/NĐ-CP thời gian qua đã phát sinh những vấn đề bất cập như: Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung chưa phản ánh đầy đủ địa bàn, phạm vi, tính chất hoạt động, mức độ tự chủ, khối lượng nhiệm vụ phải thực hiện...
Việc không quy định tiêu chuẩn, định mức và không trang bị xe phục vụ công tác của các đơn vị trực thuộc Cục/Sở/huyện có chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 mà chuyển toàn bộ sang thuê dịch vụ/khoán kinh phí chưa phù hợp với các đơn vị có tính đặc thù, không thuê được xe khi phải hoạt động trên địa bàn khó khăn, hoạt động vào ban đêm hoặc khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh...
Đối với xe ô tô chuyên dùng, một số loại xe chưa quy định rõ tiêu chí, cách thức xác định, mối quan hệ giữa chủng loại xe và mục đích sử dụng xe, đồng thời giao thẩm quyền ban hành cho các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh, vì vậy, chủng loại và số lượng xe ô tô chuyên dùng còn có sự khác nhau giữa các địa phương...
Mức giá mua xe ô tô chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP đã được duy trì từ năm 2010 theo Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ cho đến nay, trong khi giá cả thị trường nói chung và giá xe ô tô trên thị trường đã có nhiều biến động. Theo phản ánh của các bộ, địa phương thì giá mua xe ô tô hiện nay là rất thấp so với giá thị trường để lựa chọn được loại xe tương đương như trước đây, cũng như bảo đảm tính an toàn trong quá trình sử dụng.
Một hạn chế khác là việc quy định “cứng” phương thức quản lý xe ô tô tập trung đối với một số trường hợp (cơ quan bộ, cơ quan Tổng cục, các văn phòng cấp huyện) chưa bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan có chức danh được sử dụng xe ô tô.
Nguyên nhân của hạn chế trên là do tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP có nhiều thay đổi so với các quy định trước đây, cần có thời gian để rà soát, sắp xếp lại cũng như ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện.
Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô và phương thức quản lý còn có những vấn đề không còn phù hợp với tình hiện nay. Việc sắp xếp lại, xử lý xe ô tô dôi dư, thay đổi phương thức quản lý xe ô tô (từ phân tán sang tập trung) phải gắn với tiến độ ban hành/phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dụng, giải quyết chế độ đối với lái xe...
Bên cạnh đó, ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, các chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở có sự sắp xếp lại để bảo đảm nguyên tắc của Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ các giai đoạn mới. Việc sắp xếp này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh lại tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ các chức danh hiện hành cho phù hợp.
Từ cơ sở trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô là cần thiết và có cơ sở pháp lý.
Đề xuất phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm
Căn cứ danh mục chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35- KL/TW ngày 5/5/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành.
Trong đó, nhóm 1 là chức danh được sử dụng thường xuyên xe ô tô kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá (gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội).
Nhóm 2 là chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá (gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội).
Nhóm 3 là chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác có quy định mức giá mua tối đa và nhóm 4 là chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác có quy định mức giá mua tối đa.
Trong đó, đối với nhóm 3, Bộ Tài chính đề xuất các chức danh như: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập báo Nhân dân; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Trưởng ban Công tác đại biểu; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Thường vụ Quốc hội) được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,6 tỷ đồng/xe.
Đối với các chức danh gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Chủ tịch HĐND, UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,55 tỷ đồng/xe.
Đối với các chức danh Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam được sử dụng ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,5 tỷ đồng/xe.
Đối với nhóm 4, dự thảo Nghị định quy định chức danh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác có quy định mức giá mua tối đa. Trong đó, tùy chức danh cụ thể, Bộ Tài chính chia các chức danh nhóm này ra làm 6 bậc với giá mua ô tô tối đa dao động từ 1,2 tỷ đồng đến 1,45 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bô, cơ quan trung ương; tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô phục vụ công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương được xác định theo số lượng biên chế của đơn vị...