Đề xuất sửa đổi quy định về phí trong chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đề nghị hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, cử tri tỉnh Gia Lai có kiến nghị với nội dung: Tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có quy định, không thu phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và phí đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, nội dung này chưa được hướng dẫn tại các Thông tư thu phí liên quan.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã có quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này không phải nộp các lệ phí sau: Lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng; Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Theo đó, Bộ Tài chính căn cứ Luật Phí và lệ phí, đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp để ban hành 02 Thông tư thu phí theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực, nêu rõ: Cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản.
Tại Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, nêu rõ đối tượng được miễn phí bao gồm: Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng thuộc một trong các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Điều 4, Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ.
Tiếp đó, đến ngày 07/9/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi khoản 4 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP. nghị định quy định rõ, các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Thông tư số 226/2016/TT-BTC để bảo đảm thống nhất với quy định tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Phí và lệ phí thì các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm kiến nghị với Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có công văn gửi tới Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai, đề xuất phương án sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Thông tư số 226/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính để phù hợp quy định tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Sau khi nhận được đề xuất của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 202/2016/TT-BTC và Thông tư số 226/2016/TT-BTC theo thẩm quyền.