Đề xuất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% với linh kiện sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp ô tô


Nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô.

Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Nguồn: internet

Áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0%

Theo Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ô tô, Bộ Tài chính đề xuất danh mục sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô là danh mục ban hành kèm Nghị định số 111/2015/NĐ-CP với 16 nhóm sản phẩm gồm: Động cơ và chi tiết động cơ; Hệ thống làm mát; Hệ thống cung cấp nhiên liệu; Khung - thân vỏ - cửa xe; Hệ thống treo; Hệ thống truyền lực; Hệ thống lái; Hệ thống phanh; Linh kiện điện - điện tử; Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu; Hệ thống xử lý khí thải ô tô; Linh kiện nhựa cho ô tô; Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn; Kính chắn gió, cần gạt nước, ghế xe.

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm 2019-2023 đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ô tô. Đây là quãng thời gian phù hợp gắn với Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô để hỗ trợ bước đầu giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tạo dựng thị trường đủ lớn và tiếp tục phát triển.

Theo đó, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.

Để áp dụng mức thuế này, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày 30/6 hoặc ngày 31/12 hàng năm, doanh nghiệp có công văn gửi cơ quan hải quan đề nghị áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% theo Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ. Giai đoạn đề nghị áp dụng thuế suất 0% của doanh nghiệp tối đa không quá 06 tháng tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6 hoặc từ ngày 01/7 đến ngày 31/12 hàng năm.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ, cơ quan hải quan thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho doanh nghiệp theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được áp dụng Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ, cơ quan hải quan sẽ có văn bản trả lời doanh nghiệp.

Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Trong đó, doanh nghiệp phải cam kết nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, lắp ráp sản phẩm có tên trong Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nêu trên.

Đồng thời, doanh nghiệp phải có hợp đồng mua bán sản phẩm với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng điều kiện của Chương trình ưu đãi thuế; Có cơ sở sản xuất, có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất sản phẩm trên lãnh thổ Việt Nam; Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô

Chương trình ưu đãi thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2019-2023 do Bộ Tài chính đề xuất góp phần thực hiện chủ trương, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.

Chính sách ưu đãi thuế này sẽ giúp các doanh nghiệp phụ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm; đáp ứng được yêu cầu về sản lượng, quy mô, chất lượng, giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam đang phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài. Do vậy, khi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đáp ứng được yêu cầu về sản lượng, quy mô, chất lượng, giá thành thì các doanh nghiệp ô tô sẽ đặt mua của các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa theo định hướng của Chính phủ và để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (nếu đạt hàm lượng giá trị nội khối 40% khi xuất khẩu ô tô vào các nước ASEAN được hưởng thuế suất 0%).

Chính sách trên càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh những năm gần đây, thị trường ô tô Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc tương ứng với giai đoạn ô tô hóa đang cận kề khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu, chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng lớn.

Theo đó, với ưu đãi thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô, các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam sẽ từng bước nâng cao năng lực và có thể bắt kịp với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới.