Đến 15/8/2018, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia
Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 đã đi được một nửa chặng đường, ngành Hải quan đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2018, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngành Hải quan tập trung vào 03 giải pháp chủ yếu, đó là: Cải cách thủ tục hải quan thông qua công tác xây dựng pháp luật hải quan, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ cao nhất của văn bản; Tổ chức thực hiện và kiểm soát có hiệu quả việc thi hành pháp luật hải quan của cơ quan, công chức hải quan và các chủ thể có liên quan; Và nâng cấp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ và giải quyết TTHC. Bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ.
Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan mới đây, tính đến 15/8/2018, đã có 11 Bộ, ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia với 68 TTHC (tăng thêm 15 TTHC so với tháng trước) trên 1,4 triệu bộ hồ sơ và trên 23,4 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trong đó, tính riêng từ đầu năm đến 15/8/2018, số hồ sơ đạt trên 510 nghìn bộ, trên 5,4 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Về Triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, các cơ quan Hải quan trên cả nước tiếp tục triển khai trao đổi chính thức Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) với 04 nước là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan; đồng thời, tham gia trao đổi thử nghiệm C/O form D với 03 nước (Brunei, Campuchia, Phillipines). Trong thời gian tới theo kế hoạch sẽ triển khai kết nối kỹ thuật thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch thực vật (ePhyto), chứng nhận kiểm dịch động vật (e-AH).
Cơ quan Hải quan đã triển khai Ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, tiếp tục triển khai các hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, bao gồm: Hệ thống quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu; Hệ thống kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai…; Đồng thời, triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho bãi (VASSCM) trên phạm vi toàn quốc theo kế hoạch đã ban hành hiện đã được triển khai tại 05 Cục Hải quan tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, tính đến nay tổng số Dịch vụ công trực tuyến (đạt tối thiểu mức độ 3 trong lĩnh vực hải quan là 170/180 TTHC, chiếm trên 94,4% số lượng TTHC, trong đó, số Dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 là 161 dịch vụ; số Dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 là 09 dịch vụ; còn lại 10 TTHC đang ở mức độ 1 và 2.
Phát huy kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm, ngành Hải quan tiếp tục triển khai Đề án nộp thuế trực tiếp tại cổng thanh toán điện tử 24/7 (hiện đã ký kết với 21 ngân hàng thương mại phối hợp thu 24/7 và 38 ngân hàng phối hợp thu)...