Dệt may Việt Nam: Từ lượng sang chất
Yêu cầu chuyển từ sản xuất gia công sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đang là thách thức lớn đặt ra đối với ngành may mặc Việt Nam.
Từ năm 2009 đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc để trở thành ngành đi đầu về xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu lên tới hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Thế nhưng, một nghịch lý bấy lâu nay vẫn tồn tại trong ngành này là kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao (và không ngừng gia tăng), nhưng lợi nhuận không cao.
Trong một hội thảo đầu tư được tổ chức vào năm 2014 tại TP.HCM, ông John Rodrigue, một nhà tư vấn đầu tư có kinh nghiệm làm việc với những quỹ đầu tư liên quan đến ngành công nghiệp thời trang như Norwest V.P, Sand Hills… cho biết, ước tính doanh thu bán lẻ của những sản phẩm thời trang được gia công tại các nước Đông Nam Á (chủ yếu từ Việt Nam) mang lại cho các nhà bán lẻ trên toàn cầu xấp xỉ 500 tỷ USD vào cuối năm. Vào cuối năm đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may nước ta đạt gần 24,5 tỷ USD. Một con số chứa cả niềm vui, nỗi buồn và sự tiếc nuối không nhỏ. Bởi phần lớn trong giá trị này không thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam do chủ yếu làm gia công.
Bám trụ với phân khúc bình dân
Thời trang Việt lâu nay vẫn chỉ quanh quẩn ở phân khúc bình dân và phải cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc, rõ hoặc không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, phân khúc hàng trung – cao cấp là sân chơi riêng cho các thương hiệu ngoại, kể cả những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo dạng licensing (mua lại hoặc trả một khoản phí rất cao để được phép sản xuất).
Theo báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Công ty Nghiên cứu Transparency Market Research, nhóm khách hàng tiêu dùng trung lưu trong độ tuổi 16-34 là nhóm đóng góp sức mua lớn nhất trong doanh thu thời trang tại châu Á. Điều này lý giải cho việc với cùng một diện tích kinh doanh thì những sản phẩm dành cho giới trẻ trung lưu vẫn mang lại doanh thu lớn hơn hẳn các dòng sản phẩm thuộc nhóm lứa tuổi khác. Thế nhưng, với các doanh nghiệp Việt Nam xưa nay vốn chỉ mạnh về gia công thì việc bắt kịp xu hướng và nhu cầu của giới trẻ là việc rất khó.
Điều đó cho chúng ta thấy rằng, mặc dù số lượng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lên tới hàng ngàn nhưng lại chiếm một thị phần vô cùng khiêm tốn và những tên tuổi “hàng hiệu” thì lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo thống kê, hiện tại đã có gần 200 thương hiệu thời trang quốc tế có mặt tại Việt Nam. Cùng các thương hiệu thời trang khác từ các nước Đông Nam Á, họ đang chiếm hơn 85% thị phần. Trong đó tiêu thụ mạnh nhất là các thương hiệu tầm trung với các thương hiệu châu Á như Giordano, Bossini… và cao cấp như CK, Mango, D&G, Gucci, Nautica…
Con đường phải chọn
Sản xuất nhiều nhưng không có được hiệu quả kinh tế tương xứng, dệt may Việt buộc phải làm cuộc cách mạng để tự cứu mình. Chuyển đổi từ lượng sang chất là câu trả lời. Nhưng cũng cần phải hiểu đúng, đủ thế nào là “chất” trong ngành công nghiệp này.
Theo một chuyên gia trong ngành, với dây chuyền máy móc hiện đại, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa có thể tin tưởng được, họ hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất. Vấn đề chính yếu nằm ở khâu thiết kế sản phẩm và hàm lượng sáng tạo. Đây lại là điểm yếu nhất của ngành may mặc Việt Nam.
Trong khi các thương hiệu nước ngoài luôn mạnh dạn thay đổi thiết kế để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thậm chí tạo ra xu hướng thì doanh nghiệp Việt Nam luôn tỏ ra chậm chạp, thụ động, thiết kế qua các năm hầu như không thay đổi.
Lý giải vấn đề này, vị chuyên gia dệt may nói trên cho biết, các doanh nghiệp nội địa sẵn sàng đầu tư phần lớn vốn vào dây chuyền sản xuất, hệ thống quản lý, nhưng đầu tư cho khâu thiết kế lại quá ít ỏi. Do sự đầu tư mất cân xứng này, chưa có một thương hiệu thời trang Việt Nam nào đủ mạnh, có những sản phẩm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng như những thương hiệu nước ngoài như Zara, GAP, Mango hay Uniqlo…
Nhận ra vấn đề này, có một vài doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình hòng lật lại thế cờ. Trong số này phải kể đến thương hiệu Eternity GruzS. Sở hữu nhiều lợi thế khi là một thương hiệu của Tổng công ty May 10, bên cạnh việc đầu tư mạnh vào khâu thiết kế, chủ động hoàn toàn quy trình sản xuất, giúp giảm giá thành, Eternity GruzS vẫn đảm bảo được chất lượng hoàn hảo của từng mẫu thiết kế. Đến nay, thương hiệu này đã nhận được những tín hiệu khả quan từ phía khách hàng. Điều đáng nói ở đây là việc Eternity GrusZ được “đúc” từ trung tâm cung ứng thời trang khu vực châu Âu và Bắc Mỹ do chính May 10 thành lập. Trung tâm này hiện là nơi gia công cho các thương hiệu thời trang quốc tế, trong đó một số đã có mặt tại Việt Nam như: GAP, Espirit hay Mark Spencer.
Một cái “chất” nữa cần phải thực sự hiểu chính là giá trị thương hiệu. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam bị thua đau trên sân nhà là chưa biết cách tạo ra giá trị thương hiệu. Thực tế, một chiếc quần jean trong đơn hàng FOB cho thương hiệu nước ngoài có giá chỉ 15 USD, trong khi được nhập khẩu trở lại thị trường nước ta lại có giá khoảng 150 USD.
Lý giải về điều này, ông Bùi Đức Thắng, cán bộ phụ trách truyền thông của thương hiệu GruzS cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất tạo ra khoảng cách chênh lệch quá lớn này chính là giá trị của thương hiệu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trị của thương hiệu chiếm đến 70% giá thành sản phẩm. Nó không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm hay mẫu thiết kế, mà còn từ rất nhiều thứ có thể giúp khách hàng tiếp cận, cảm nhận và yêu mến thương hiệu”.
Còn nhớ, công chúng yêu thích thời trang đã không thể quên được dàn mẫu nước ngoài mà GruzS đã sử dụng trong Hội chợ Thời trang Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội hồi cuối năm 2014. Ý tưởng này đã gây ấn tượng mạnh mẽ, thu hút và khuấy động toàn bộ không gian hội chợ, giúp GruzS không chỉ chiếm được cảm tình của khách hàng khó tính mà còn thuyết phục họ rút hầu bao để mua sắm “hàng hiệu” Việt Nam.