Địa phuơng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất

Hiền Nguyễn

Nhiều địa phương đã và đang triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh, hộ kinh doanh, hợp tác xã nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế.

Chế biến dược liệu tại Công ty Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả).
Chế biến dược liệu tại Công ty Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả).

Tỉnh Sóc Trăng vừa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hỗ trợ 75 sản phẩm, hàng hóa của Tỉnh được tư vấn, công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS); tư vấn, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia (TCQG) hoặc tiêu chuẩn quốc tế (TCQT); tư vấn, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP); tự công bố sản phẩm, hàng hoá theo quy định.

Đến năm 2030, hỗ trợ 95 sản phẩm, hàng hóa của tỉnh được tư vấn, công bố, áp dụng TCCS; tư vấn, chứng nhận phù hợp TCQG hoặc TVQT; tư vấn, chứng nhận phù hợp QCKTQG, QCKTĐP; tự công bố sản phẩm, hàng hoá theo quy định.

Đồng thời, hỗ trợ ít nhất 90 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong việc tư vấn xây dựng, áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến; hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P); thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh,...; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Hỗ trợ 06 đơn vị thực hiện tư vấn xây dựng, áp dụng, đánh giá chứng nhận, nâng cấp theo ISO/IEC 17025; Đào tạo ít nhất 35 chuyên gia năng suất chất lượng tại các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp...

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa như: tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng; tổ chức tập huấn, tham quan, hội nghị, hội thảo, tọa đàm cho đội ngũ thực hiện hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ngay từ tháng 6/2021, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu hỗ trợ ít nhất 400 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia các dự án nâng cao năng suất chất lượng. 

Xác định được tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.

Là một trong 5 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia năm 2022, Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã có nhiều nỗ lực để cải tiến quy trình làm việc, đẩy mạnh áp dụng các công cụ quản lý vào vận hành sản xuất, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện Công ty đã xây dựng, áp dụng thành công 2 hệ thống ISO 22000:2018 về quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, ISO 9001:2015 quản lý chất lượng và công cụ “5S” vào hoạt động của đơn vị. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung - Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, việc xây dựng, áp dụng thành công các hệ thống quản lý chất lượng đã giúp hoạt động dịch vụ, trồng trọt, sau thu hoạch, chế biến dược liệu của Công ty mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Nhiều sản phẩm của Công ty là sản phẩm OCOP và được xếp hạng 3, 4 sao. Các sản phẩm của doanh nghiệp như trà giảo cổ lam, trà bổ gan, giải độc gan, trà tiểu đường, trà vằng, viên tiểu đường, viên chè vằng, viên giải rượu, giải độc gan... đều đang có “chỗ đứng” trên thị trường. Đáng chú ý, trà giảo cổ lam Đông Bắc do Công ty sản xuất là một trong 27 nông sản tiêu biểu năm 2021 của Quảng Ninh.

Dưới sự tư vấn, hướng dẫn và động viên từ Sở KH&CN, năm 2022, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc sẽ tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia với mong muốn tìm ra lợi thế để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Cán bộ Sở KH&CN đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.
Cán bộ Sở KH&CN đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng.

Ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phổ biến, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh đẩy mạnh áp dụng các công cụ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng.

Giai đoạn 2015-2020, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn 30 doanh nghiệp để hỗ trợ áp dụng mô hình điểm về nâng cao năng suất, chất lượng. Các hoạt động hỗ trợ tập trung vào đào tạo phương pháp đánh giá nội bộ; hướng dẫn, khắc phục, cải tiến các vấn đề năng suất, chất lượng; tham quan, học tập kinh nghiệm tại các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trong toàn quốc…

Theo đánh giá, qua thí điểm trên 30 doanh nghiệp đều cho thấy đã cải thiện năng suất, tăng 15-20%. Năng lực quản trị, điều hành, quản lý của doanh nghiệp cũng được nâng cao; chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, được thị trường đón nhận, đánh giá tốt.

Khảo sát việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến tại Công ty CP Chế tạo máy (Vinacomin). Ảnh: Thu Hương (Sở KH&CN)
Khảo sát việc áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến tại Công ty CP Chế tạo máy (Vinacomin). Ảnh: Thu Hương (Sở KH&CN)

Nhằm cải thiện hơn nữa hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở kết quả thí điểm, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chính là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh.

Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Tỉnh là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất, chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; có ít nhất 10 doanh nghiệp đã xây dựng mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng.

Tỉnh Quảng Nam cũng pohấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hằng năm tăng 10-15%; có ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Tháng 5/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Đặc biệt, chú trọng công tác tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng, về quản lý đổi mới sáng tạo ISO 56000, về chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và nhận thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù. Tiếp tục tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...