Dịch COVID-19: Ngành hàng không toàn cầu tiếp tục giảm số chuyến bay
Hãng Lufthansa của Đức sẽ giảm công suất ghế trên các chuyến bay đường dài tới 90%, ảnh hưởng chủ yếu đến các lộ trình đến châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Các hãng hàng không lớn trên thế giới ngày 16/3 đã thông báo tiếp tục giảm số chuyến bay khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn đã làm giảm nhu cầu, trong lúc các hãng hàng không Mỹ chính thức đề nghị chính phủ cứu trợ khoảng 50 tỷ USD.
Tập đoàn hàng không IAG, sở hữu British Airways và hãng hàng không Iberia của Tây Ban Nha, thông báo giảm công suất bay 75% trong tháng Tư và tháng Năm do dịch.
Trong khi hãng Lufthansa của Đức sẽ giảm công suất ghế trên các chuyến bay đường dài tới 90%, ảnh hưởng chủ yếu đến các lộ trình đến châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ.
Hãng Virgin Atlantic của Anh cho biết thêm hãng đã quyết định dừng khai thác 75% tổng số máy bay và trong tháng Tư sẽ nâng con số này lên 85%.
Hãng này đã kêu gọi Chính phủ Anh cung cấp khoản hỗ trợ khẩn cấp tổng cộng 7,5 tỷ bảng (hơn 9 tỷ USD) để giúp ngành hàng không Anh duy trì hoạt động.
Trong một tuyên bố, hãng này cảnh báo tuần trước đã cho thấy tác động của dịch đến ngành hàng không và du lịch toàn cầu gia tăng mạnh, khi lượng lớn hành khách hủy đặt chỗ.
Hãng hàng không giá rẻ EasyJet của Anh cảnh báo hãng có thể phải dừng bay đa phần đội bay, hối thúc các chính phủ trên khắp châu Âu hỗ trợ các hãng hàng không duy trì khả năng tiếp cận thanh khoản.
Giám đốc điều hành hãng Johan Lundgren cho rằng ngành hàng không châu Âu đang đối mặt với một tương lai bấp bênh.
Hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland (Ireland) không loại trừ khả năng dừng bay toàn bộ đội bay khi công bố cắt giảm số chuyến bay.
Air France sẽ giảm công suất bay 70-90% trong hai tháng tới, trong khi Austrian Airlines sẽ dừng toàn bộ các chuyến bay từ ngày 18/3 và Finnair sẽ giảm 90% công suất cho đến khi tình hình được cải thiện.
Trong khi đó, viện dẫn nhu cầu giảm chưa từng có, điều đang ngày càng tồi tệ hơn và tồi tệ hơn nhiều so với sự kiện khủng bố ngày 9/11/2001, Airlines for America (A4A), tổ chức đại diện cho các hãng hàng không lớn của Mỹ, đã đưa ra một danh sách những mong muốn của họ, bao gồm các khoản bảo lãnh, khoản vay và giảm thuế.
Theo A4A, ngành hàng không Mỹ đang trên đà chứng kiến mức giảm thanh khoản 23 tỷ USD vào cuối năm 2020 theo kịch bản lạc quan và giảm 53 tỷ USD theo kịch bản bi quan. Tổ chức này cho rằng, tính đến sáng 16/3, kịch bản bi quan có thể xảy ra nhất.
Các quan chức Nhà Trắng đã nhấn mạnh các hãng hàng không là mối lo ngại lớn và cho thấy sự đồng lòng về một kế hoạch liên bang nhằm hỗ trợ ngành này.
Tổng thống Donald Trump nói cần hỗ trợ các hãng hàng không, bởi họ không có lỗi, khi thực tế là ngành này đang có một mùa kỷ lục.