"Điểm danh" thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp khi áp dụng ISO 22301
Để triển khai áp dụng Hhệ thống quản lý kinh doanh liên tục phù hợp theo Tiêu chuẩn ISO 22301, thì một trong những yếu tố quan trọng là các doanh nghiệp cần thể hiện rõ hơn về cam kết của lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong việc triển khai áp dụng ISO 22301.
Thuận lợi đan xen thách thức
ISO 22301 là hệ thống quản lý kinh doanh liên tục tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh cho doanh nghiệp. Việc tham gia áp dụng ISO 22301 sẽ giúp các công ty có thể xác định các khu vực rủi ro, thực hiện các biện pháp kiểm soát và phân bổ trách nhiệm một cách thích hợp.
Thông qua việc tham gia chứng nhận ISO 22301, doanh nghiệp có thể minh chứng cho sự cam kết với cả các bên nội bộ và bên ngoài về khả năng phục hồi của Công ty sau những gián đoạn không mong muốn.
Quá trình áp dụng ISO 22301 tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua có một số thuận lợi nhất định.
Điển hình như, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã thấy rõ tầm quan trọng của tính liên tục trong kinh doanh, đặc biệt là chứng kiến những gián đoạn do dịch bệnh COVID-19 thời gian qua gây ra và đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã có nền tảng hệ thống quản lý thông qua áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2015, ISO 14001:2015… và lực lượng chuyên gia tư vấn có kiến thức, kinh nghiệm về hệ thống quản lý kinh doanh liên tục.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý như ISO 14001, ISO 45001, ISO 22000… thì việc xác định và thực hiện các yêu cầu liên quan đến sự tuân thủ pháp luật trong kinh doanh liên tục sẽ thuận lợi hơn.
Bên cạnh những thuận lợi như đã nêu trên, quá trình triển khai ISO 2230 tại doanh nghiệp cũng đối mặt một số khó khăn.
Theo đó, tình hình giảm sút về kinh tế gần đây ảnh hưởng đến hoạt động, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hạn chế nguồn lực cho các hoạt động xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo ISO 22301.
Cùng với đó, nhân sự của doanh nghiệp còn kiêm nhiệm nhiều công việc hoặc thay đổi nhân sự nên thời gian để tập trung cho hoạt động triển khai, áp dụng hệ thống cũng bị ảnh hưởng, làm kéo dài tiến độ triển khai áp dụng ISO 22301.
Có thể thấy, ISO 22301 là tiêu chuẩn mới so với các doanh nghiệp Việt Nam nên việc hiểu và thực hiện yêu cầu còn bỡ ngỡ như việc xác định các nội dung như khoảng thời gian gián đoạn tối đa có thể chấp nhận được (MTPD), Mục tiêu thời gian khôi phục (RTO), xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục, đưa ra kịch bản luyện tập…
Cũng phải đề cập thêm rằng, việc xác định nguồn lực dự phòng (nhân sự, tài chính, địa điểm di dời tạm thời…) của doanh nghiệp để ứng phó, phục hồi đối với các sự cố gián đoạn chưa được rõ ràng, cụ thể.
Việc kết nối, trao đổi thông tin với các nhà cung cấp và đối tác chưa thể hiện rõ tầm quan trọng của tính liên tục trong kinh doanh.
Cần thể hiện rõ cam kết trong áp dụng ISO 22301
Nhiều chuyên gia đánh giá, quá trình triển khai áp dụng ISO 22301, doanh nghiệp sẽ nắm rõ hơn về các sự cố gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh với mức độ tác động lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn lao động, hư hỏng thiết bị sản xuất, thiếu hụt nguồn cung cấp, mất các tiện ích như điện, nước…
Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng các kế hoạch kinh doanh liên tục phù hợp.
Việc hiểu biết và thực hiện diễn tập các kịch bản sự cố gián đoạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi khi có sự cố gián đoạn xảy ra.
Để triển khai áp dụng hệ thống quản lý kinh doanh liên tục phù hợp ISO 22301, khuyến cáo dành cho các doanh nghiệp là: Cần thể hiện rõ hơn về cam kết của lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong việc triển khai áp dụng ISO 22301; phân công trách nhiệm đối với các nhóm nhân sự cụ thể liên quan đến ứng phó, phục hồi sau sự cố.
Tổ chức đào tạo, phổ biến về tiêu chuẩn ISO 22301 cho lãnh đạo và cán bộ nhân viên để hiểu rõ hơn. Thực hiện phân tích tác động kinh doanh phù hợp với các hoạt động trong phạm vi áp dụng ISO 22301 và thực tế của doanh nghiệp, làm rõ các tác động do sự cố gián đoạn đối với doanh nghiệp, để từ đó đưa ra các kế hoạch kinh doanh liên tục phù hợp thực tế áp dụng.
Ngoài ra, trao đổi thông tin liên quan đến kinh doanh liên tục với các nhà cung cấp, đối tác bên ngoài để làm rõ hơn về vai trò, lợi ích của các bên trong chuỗi cung ứng, tối ưu nhất là việc phối hợp chung trong thực hiện các bài luyện tập đối với các kịch bản, tình huống khẩn cấp.