Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 5/2023
Trong tháng 5/2023, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí Tài chính điện tử điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV
Tham dự kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV khai mạc từ ngày 22/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 trước Quốc hội; tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến các nội dung này.
Trong đó, về giảm thuế GTGT, Bộ trưởng cho biết, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 nêu trên và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định
Trong 2 ngày 8-9/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã tham gia tiếp xúc cử tri Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức thành viên, một số sở, ngành và cử tri huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách tài khóa nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chính sách tài chính, liên tục rà soát các chính sách để kịp thời tham mưu cho Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chủ động, trong đó, tập trung vào các giải pháp về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí; triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch sẽ dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản ký kết 3 văn kiện quan trọng
Ngày 21/5/2023, tại Hiroshima (Nhật Bản), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ký kết 3 văn kiện trao đổi có tổng trị giá gần 61 tỷ Yên, tương đương khoảng 440 triệu USD.
Trong 3 văn kiện được ký kết, đáng chú ý là khoản vay hỗ trợ ngân sách trị giá 50 tỷ Yên cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hậu COVID-19. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản vay dự án cho các tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương.
Chia sẻ về về các văn kiện vừa được ký kết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan ngoại giao Nhật Bản, trong đó có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và JICA trong việc triển khai các khoản vay của Chính phủ Nhật Bản.
4. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kiểm tra, khảo sát một số dự án đầu tư công tại Đồng Nai
Sáng 14/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và Đoàn công tác đã đi khảo sát một số dự án đang triển khai tại tỉnh Đồng Nai. Tổ công tác đã kiểm tra, khảo sát 2 dự án đầu tư công trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm: xây dựng Cầu Vàm Cái Sứt và đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu).
Cùng ngày, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo 5 địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai) về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong tình hình còn nhiều khó khăn như hiện nay, các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc, tháo gỡ nút thắt về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công của 3 địa phương còn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước, do đó, trong thời gian tới, lãnh đạo các tỉnh cần vào cuộc, có các giải pháp cụ thể để bứt phá trong thời gian tới.
5. Công bố Quyết định chuẩn y Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngày 5/5/2023, tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính, Đảng ủy Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị công bố Quyết định chuẩn y kết quả bầu chức danh Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với đồng chí Cao Anh Tuấn - Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể đã trao Quyết định chuẩn y kết quả bầu chức danh Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2020-2025 và tặng hoa chúc mừng đồng chí Cao Anh Tuấn.
Phát biểu nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Cao Anh Tuấn trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Thể - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính đã tin tưởng giới thiệu, tín nhiệm giao nhiệm vụ.
Đồng chí tân Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính hứa quyết tâm phấn đấu cùng tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành nêu cao truyền thống đoàn kết, thống nhất, nắm bắt thời cơ, phát huy vận hội để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như xây dựng Đảng bộ Bộ Tài chính ngày càng trong sạch, vững mạnh.