Điểm lại sự kiện nổi bật của ngành Tài chính tháng 6/2022
Trong tháng 6/2022, ngành Tài chính diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện nổi bật của ngành Tài chính trong tháng.
1. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV
Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo và giải trình làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội nêu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; các nội dung liên quan đến điều hành tài chính - ngân sách các năm...
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 8/6/2022, với tinh thần, thẳng thắn, trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm như: Công tác cổ phần hóa, thoái vốn; đấu giá tài sản; điều hành giá xăng dầu; điều hành thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; vấn đề chuyển giá; thu thuế chuyển nhượng bất động sản; kiểm soát lạm phát; chống thất thu thuế; chính sách tài khóa cho phục hồi và phát triển kinh tế...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự thẳng thắn, mạch lạc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trước nhiều vấn đề lớn từ kinh tế vĩ mô đến điều hành cụ thể của Ngành và các vấn đề đang được dư luận quan tâm. Các câu trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho thấy tư lệnh ngành Tài chính nắm vững vấn đề, trả lời ngắn gọn, có số liệu minh chứng rõ ràng, bám sát nội dung chất vấn dù đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng.
2. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 4/6/2022, tại phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 là tích cực. Bên cạnh sự chủ động của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, một số ngành lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước có mức tăng trưởng khá nhờ hưởng lợi từ những chính sách tài khóa, tiền tệ và gói kích cầu, đẩy mạnh đầu tư công và giá dầu thô tăng cao trong bối cảnh ngân sách Trung ương tập trung dành thêm nguồn lực để thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, để đảm bảo hài hòa công bằng và động viên các địa phương trong công tác thu ngân sách và điều hành ngân sách, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thưởng vượt thu cho các địa phương.
3. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Chiều ngày 30/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có cuộc làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị UBCKNN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hoàn thiện chính sách pháp luật... để quản lý thị trường chứng khoán vận hành ổn định, minh bạch.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ với những khó khăn gặp phải của UBCKNN về thiếu nhân lực, phương tiện, thiết bị chưa hiện đại, bộ máy chưa hoàn chỉnh trong khi thị trường chứng khoán ngày càng lớn mạnh. Theo Bộ trưởng, lĩnh vực quản lý của UBCKNN là quản lý tài chính dân cư, do đó có nhiều biến động, đòi hỏi công tác quản lý phải nâng cao hơn, cẩn trọng hơn, trách nhiệm hơn và theo hướng bền vững hơn.
4. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chúc mừng các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc gửi Thư chúc mừng các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động tại các cơ quan báo chí, tuyên truyền, xuất bản ngành Tài chính.
Nhân dịp này, sáng ngày 20/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tới thăm và chúc mừng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Tạp chí Tài chính và Thời báo Tài chính Việt Nam.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương những thành tích Tạp chí Tài chính và Thời báo Tài chính Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Bộ trưởng mong muốn, hai cơ quan báo chí sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu giành nhiều thắng lợi hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cho rằng sức mạnh của cơ quan báo chí là sức mạnh lan tỏa, sức mạnh của uy tín, muốn uy tín thì đội ngũ và con người phải chất lượng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị, trong thời gian tới, cơ quan báo chí cần tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm, chú trọng công tác đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên để đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
5. Việt Nam tăng 23 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách
Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) của Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017.
Kết quả xếp hạng OBS2021 cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các quy định của Luật NSNN năm 2015 theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai, Việt Nam đã tiếp cận và thực hiện các thông lệ tốt của quốc tế, như công bố số liệu kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm; xây dựng Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu; đồng thời thực hiện đa dạng các hình thức phổ biến thông tin đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.
Được biết, Khảo sát ngân sách mở (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, do Tổ chức IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập (ở Việt Nam là CDI) thực hiện tại hơn một trăm quốc gia trên thế giới, chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần kể từ năm 2006. Bộ Tài chính đã tham gia đánh giá OBS từ năm 2015 và đến nay đã tham gia 04 lần khảo sát vào các năm 2015, 2017, 2019 và 2021. Sau mỗi lần khảo sát, điểm số OBS của Việt Nam đều có sự cải thiện đáng kể.
6. Bộ Tài chính phát động Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tài chính lần thứ VIII năm 2023
Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), chiều ngày 20/6/2022, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã chủ trì buổi gặp mặt chúc mừng các cơ quan thông tấn, báo chí.
Cũng trong khuôn khổ cuộc gặp mặt, Bộ Tài chính đã phát động tổ chức “Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tài chính lần thứ VIII năm 2023” - một trong những hoạt động thường xuyên, định kỳ của Bộ Tài chính. Thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà báo trên toàn quốc, Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tài chính là một giải báo chí uy tín, chất lượng nhằm trao tặng cho tác giả, nhóm tác giả là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí xuất sắc về Tài chính, đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động.
Giải thưởng được trao cho 04 loại hình báo chí được xuất bản, đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 01/05/2023, bao gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Tác phẩm tham gia Giải được lựa chọn bằng 2 cách: Tác giả trực tiếp gửi tác phẩm đến Cơ quan Thường trực Giải bằng đường bưu điện, email; hoặc Liên chi Hội Nhà báo ngành Tài chính và Cơ quan Thường trực Giải – Thời báo Tài chính Việt Nam để lựa chọn, đề cử các tác phẩm đáp ứng tiêu chí và đưa vào xét chọn.