Điểm sự kiện kinh tế - tài chính trong nước nổi bật tuần qua

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm các sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật trong nước tuần vừa qua (từ ngày 06/8 đến ngày 10/8/2018).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2017 
Tổng cục Thuế vừa công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam năm 2017, trong đó Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất. Tổng số thuế TNDN của các đơn vị trong bảng xếp hạng đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% tổng số thuế TNDN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với mức 101.457 tỷ đồng của năm 2016.
Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp được xây dựng dựa trên mức độ đóng góp thực tế của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, thông qua đó, gián tiếp phản ánh hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một năm.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá các mặt hàng xăng

Từ 15h ngày 07/8, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường được điều chỉnh như sau: Xăng E5 RON92 và Xăng RON95-III giữ ổn định giá; Dầu diesel 0.05S tăng 296 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 205 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 257 đồng/kg.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5 RON92 là 19.611 đồng/lít; Xăng RON95-III là 21.177 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S là 17.538 đồng/lít; Dầu hỏa là 16.379 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S 15.013 đồng/kg.

Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ làm giảm GDP Việt Nam
Theo NCIF, chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ làm GDP Việt Nam giảm 0,03% trong năm 2018; Giảm 0,09% trong năm 2019 và 0,12% trong năm 2020 - 2021. Với tốc độ tăng 6,8% trong năm 2018, quy mô kinh tế năm 2018 đạt khoảng 235 tỷ USD. Giả sử tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 6,5% mỗi năm trong 5 năm tới, quy mô kinh tế các năm trong giai đoạn 2020 - 2022 lần lượt là 250,2 tỷ USD, 284 tỷ USD và 302 tỷ USD.
Với kịch bản Hoa Kỳ áp thuế 25% cho 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bình quân cả giai đoạn 2018 - 2022, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc sẽ làm GDP Việt Nam giảm hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm.
ANZ Research dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 và 2019 lần lượt là 6,8% và 7%, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn FDI và mở rộng cơ sở sản xuất. Các yếu tố đóng góp cho triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn gồm: Quy mô nhân khẩu học thuận lợi, lực lượng lao động có trình độ, các cải cách kinh tế đang diễn ra và lợi ích từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Việt Nam - EU FTA.
7 tháng đầu năm 2018, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN tăng 26% so với cùng kỳ
Trong 7 tháng đầu năm 2018, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đạt khoảng 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 41,09% kế hoạch (gồm vốn trong nước đạt 45,35%, vốn trái phiếu chính phủ đạt 17,53%, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 26,31%), vốn nước ngoài đạt 24,7% kế hoạch.
Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, tuy nhiên sau 7 tháng vẫn còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương có số giải ngân thấp. 31/56 bộ, ngành trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 35% kế hoạch năm. Thậm chí, một số bộ, ngành gần như chưa giải ngân.