Diễn đàn “Cách tân công nghiệp 2022”
Chiều 20/9, diễn đàn “Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022” chính thức diễn ra tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Với chủ đề “Sản xuất thông minh - Smart Manufacturing”, diễn đàn mang đến những kiến giải quan trọng về “sản xuất thông minh” cho ngành công nghiệp Việt Nam trước bối cảnh mới của nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Sự kiện thu hút hơn 200 doanh nhân; đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn, các hiệp hội và các chuyên gia hàng đầu về sản xuất và đổi mới sáng tạo tham dự.
“Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022” do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) chủ trì, giao cho Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP.IC), Công ty Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp IBP tổ chức.
Được tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm thành lập SHTP, diễn đàn hướng tới việc xây dựng một sự kiện thường niên, một cuộc gặp gỡ và trao đổi chuyên nghiệp, chính thức dành cho các nhà hoạt động công nghệ, các công ty công nghệ, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để bàn về những xu hướng, những giải pháp thúc đẩy cách tân công nghiệp tại Việt Nam, giúp nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
“Cách tân công nghiệp” hay gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh đã luôn được các doanh nghiệp chú trọng trong suốt những năm qua. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vấn đề này lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp đều đứng trước câu hỏi “chuyển đổi số hay là chết”. Giờ đây, việc “cách tân”, “chuyển đổi” là yêu cầu tất yếu của thời đại.
Tại diễn đàn, PGS.,TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn đối với các doanh nghiệp trên thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nước ngoài, nhóm đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số, nhóm startup công nghệ và nhóm các nhà hoạch định chính sách quy tụ tại diễn đàn để thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối, hợp tác. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
Theo thống kê, năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp hơn 5% tổng GDP cả nước. Google, Temasek và Bain & Co. cũng dự báo, quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025, vượt qua Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.
Các đại biểu tham gia diễn đàn cho rằng, chuyển đổi số hay xây dựng năng lực số là việc buộc phải làm của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh. Tuy nhiên, văn hóa tổ chức doanh nghiệp và nhân lực đủ khả năng cho việc chuyển đổi này là vấn đề rất lớn, bao gồm ở cả các doanh nghiệp tư vấn. Yếu tố về sinh thái và phát triển bền vững hôm nay không còn là tiêu chuẩn mang tính đặc biệt nữa mà trở thành bài toán chung hết sức cụ thể. Chỉ tiêu phát triển bền vững từng doanh nghiệp không phải việc để nói mà việc phải làm...