Công nghiệp hỗ trợ:

Xây dựng vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp

Theo laodong.vn

Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp.

Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển công nghiệp, sản хuất các ѕản phẩm điện tử công nghệ cao.
Vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển công nghiệp, sản хuất các ѕản phẩm điện tử công nghệ cao.

Khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực

Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết, kinh tế Vùng đồng bằng sông Hồng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, về kinh tế - xã hội vùng còn những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.

“Hành lang công nghiệp” cần được cụ thể hóa

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ và Bộ ngành chức năng sớm hoàn thành thẩm định, lập phê duyệt quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho rằng, quy hoạch là vấn đề rất lớn hiện nay mà thực tế là Hà Nội quy hoạch không chỉ cho Hà Nội mà cho Trung ương và cho cả vùng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ ra, cần tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông như đường vành đai 4, các tuyến cao tốc liên kết các địa phương trong vùng. Đặc biệt là nghiên cứu mở thêm sân bay quốc tế.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, tư duy về liên kết vùng đã được Báo cáo tổng kết Nghị quyết làm rõ. Theo đó, báo cáo cần nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Hồng là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ; Có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước; Có tam giác phát triển Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh; Có cửa ngõ trung chuyển Trung du Bắc bộ. Đồng bằng sông Hồng xứng đáng là vùng đi đầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, có một số đề xuất cụ thể liên quan tới công nghiệp, cần tổng kết về các ngành công nghiệp, có các định hướng về Luật Phát triển công nghiệp sắp tới (chính sách ưu đãi nếu có).

Điểm mới của Báo cáo là đưa ra được khái niệm “Hành lang công nghiệp”, về nội dung này lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, các địa phương cần lưu ý nội dung này trong quá trình quy hoạch.

“Đây là chuỗi công nghiệp hỗ trợ để các địa phương cùng phát triển. Ý tưởng “Hành lang công nghiệp” cần được cụ thể hóa vào trong các quy hoạch tỉnh. Đơn cử như Hà Nội - Hải Phòng liên kết với Bắc Giang, Ninh Bình để phát triển công nghiệp” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Liên quan tới lĩnh vực công nghiệp cũng nên lưu ý phát triển doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi sản xuất.

Về phát triển thương mại, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại ở vùng là còn yếu và ít so với cả nước. Đối với lĩnh vực Logicstic, hiện mới có 26 trung tâm logicstic trong vùng, nhiều địa bàn có thuận lợi về phát triển lĩnh vực này nhưng vẫn có ít, đơn cử Hải Phòng có 2 trung tâm, Hà Nội có 10 trung tâm. Logicstic không phải chỉ kho bãi hạ tầng mà còn là hải quan, thuế... Logicstic tại vùng còn cần đặt vấn đề “hút hàng” từ phía nam ra để xuất hàng lên cửa khẩu và ngược lại.

Kết luận hội nghị, ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng, được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ nhằm xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng, nội vùng trong phát triển. 

Hội nghị đã cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng đã đề ra trong dự thảo Báo cáo, đặc biệt là cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn đối với liên kết phát triển vùng để vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ hiện đại...