Điều chỉnh cách tiếp cận hỗ trợ cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp trong bối cảnh mới


Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" và đạt kết quả đáng khích lệ. Dựa trên những kết quả đạt được, theo Bộ Công Thương, để các hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của các DN Việt Nam đạt được hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới cần điều chỉnh cách tiếp cận và quan điểm.

Có đến 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động của Dự án mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của DN.
Có đến 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động của Dự án mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của DN.

Kết quả đáng khích lệ

Năm 2012, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012. Đây là một trong 9 Dự án thành phần thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa các DN Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn 2012-2020, bám sát nội dung và mục tiêu được giao, Ban chỉ đạo, điều hành Dự án đã lựa chọn ưu tiên và phương thức triển khai phù hợp cho từng thời điểm; linh hoạt trong tổ chức thực hiện để đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 99,3% DN đánh giá hoạt động của Dự án mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của DN (98%), 64,7% các DN có cải thiện về năng suất, 56,9% DN có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% DN có cải thiện về thời gian giao hàng…

Hỗ trợ của Dự án cũng đã giúp các DN đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Hiện có 94,8% các mô hình điểm tiếp tục duy trì sau khi kết thúc dự án, trong đó, 22,2% mô hình được mở rộng. Bộ Công Thương cũng đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Trong năm 2019-2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực cho Phòng thử nghiệm trong lĩnh vực giấy, bao bì; hỗ trợ 15 Phòng thí nghiệm triển khai, áp dụng mới/chuyển đổi theo tiêu chuẩn ISO 17025:2016. Từ kết quả hỗ trợ này, đã góp phần tăng cường năng lực cho hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp, từ đó phục vụ tốt hơn mục tiêu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, 99,3% DN đánh giá hoạt động của Dự án mang lại hiệu quả rõ nét, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của DN (98%), 64,7% các DN có cải thiện về năng suất, 56,9% DN có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% DN có cải thiện về thời gian giao hàng…

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đến nay, các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại DN. Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại DN chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực.

Các mô hình điểm triển khai tại DN đã mang lại hiệu quả rõ nét, là những ví dụ trực quan, sinh động và có tính thuyết phục đối với hoạt động cải tiến trong nội tại của DN; đồng thời, đang dần tạo ra sức lan tỏa cho các DN khác. Nhiều mô hình, DN điển hình đã được ghi nhận, vinh danh trong hoạt động cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, các hoạt động hỗ trợ DN tập trung nhiều với việc hướng dẫn, tư vấn DN cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua việc ứng dụng các công cụ cải tiến, hệ thống lý chất lượng nhưng các hoạt động này đã có sự gắn kết, tác động tích cực tới yêu cầu và triển khai đổi mới công nghệ, thiết bị tại DN. Bởi xét đến cùng, câu chuyển về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm DN là một bài toán cần lời giải có tính chất tổng thể.

Điều chỉnh cách tiếp cận

Theo đánh giá của các chuyên gia, DN Việt có cơ hội tăng năng suất từ 15-30% (thậm chí lên tới 40-45%) chỉ thông qua cải tiến quy trình, tổ chức lại sản xuất, giảm lãng phí, sai lỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng Dự án trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, bao gồm tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại DN và đội ngũ chuyên gia tư vấn, vinh danh các DN thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực…

Mặt khác, tập trung xây dựng các mô hình tổng thể triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng tại DN, từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số. Đồng thời, lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của DN nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của DN.

Sau giai đoạn triển khai 2012-2020, để các hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa của các DN Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn, theo Bộ Công Thương cần có những điều chỉnh về cách tiếp cận và quan điểm trong bối cảnh mới, cụ thể:

Một là, hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm phải là hoạt động tự thân và yêu cầu nội tại của mỗi DN để tăng trưởng và phát triển; việc triển khai hoạt động này sẽ dựa chủ yếu vào nguồn lực của DN.

Hai là, Nhà nước có vai trò khuyến khích, tạo lập môi trường và các hệ sinh thái để khuyến khích và hỗ trợ DN thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng; từng bước phát triển, mở rộng phong trào năng suất trong các ngành, lĩnh vực, địa phương để tạo lập Phong trào mạnh mẽ trong cả nước, hình thành văn hóa về liên tục đổi mới, cải tiến cho từng DN.

Ba là, nâng cao năng suất và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại các DN về mặt giải pháp cần có cách tiếp cận toàn diện từ việc định hình lại chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới, thiết lập, tối ưu, hiện đại hóa hệ thống quản trị tới nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo, nâng cao trình độ người lao động cũng như cán bộ quản lý cấp trung, cấp cao…

Bốn là, việc triển khai các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý vừa tiếp cận theo các công cụ, hệ thống đơn lẻ, đồng thời hướng tới giải quyết bài toán tổng thể về nâng cao năng suất và chất lượng của DN; kết hợp giữa giải quyết các vấn đề có tính nền tảng cho mọi DN, đồng thời đi vào những yêu cầu có tính đặc thù của ngành, lĩnh vực. Nhanh chóng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả của hệ thống quản trị DN và đổi mới công nghệ sản xuất tại DN.

Năm là, việc triển khai các hoạt động, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đảm bảo sự lan tỏa theo chiều rộng, với đối tượng hướng tới là các DN nhỏ, siêu nhỏ hướng tới việc tăng năng suất trên quy mô toàn ngành, lĩnh vực, đồng thời có những ưu tiên, đầu tư cho một số DN có tiềm lực, có hoạt động cải tiến tích cực để tạo ra các mô hình điểm, có tính đột phá trong việc triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất; giúp minh chứng, từ đó tạo động lực lan tỏa cho các DN khác trong ngành, lĩnh vực và địa phương.

Sáu là, tập trung phát triển mạnh mẽ tổ chức, đơn vị nghiên cứu, tư vấn về cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng cho DN; hình thành và phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn tại các tổ chức, đơn vị nghiên cứu và cán bộ thực hành cải tiến tại DN; trở thành nguồn lực nòng cốt cho công tác hỗ trợ tư vấn cũng như tự triển khai tại DN.