Hải Phòng:
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm
Nhằm phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những năm qua, UBND TP. Hải Phòng đã có các chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất các sản phẩm hàng hóa trọng điểm, chủ lực nâng cao năng suất và chất lượng và mang lại những hiệu quả tích cực.
Thực hiện Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020, UBND TP. Hải Phòng đã có quyết định phê duyệt 11 chương trình khoa học và công nghệ có mục tiêu, trọng điểm đến năm 2020, trong đó Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trọng điểm, chủ lực. Mục tiêu của Chương trình là: “Đến năm 2020, các sản phẩm chủ yếu đạt tiêu chuẩn quốc tế; góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP lên 30% vào năm 2015, 40% vào năm 2020”.
Trên cơ sở định hướng trên, thời gian qua, TP. Hải Phòng đã có nhiều DN đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ; thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất; xây dựng và nâng cấp phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm.
Cùng với thực hiện các nội dung trên, các DN tại Hải Phòng cũng chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tham gia các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN; đánh giá hợp chuẩn - hợp quy cho các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực. Đồng thời, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường, quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO14000, ISO 9001-2008, ISO 22000, HACCP, TQM, GMP, GAP…; các công cụ quản lý tiên tiến như 5S, KAIZEN, QCC, SA8000…
Điển hình trong số các DN áp dụng biện pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm tại Hải Phòng là Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng số 2 (Công ty chuyên sản xuất sơn bột tĩnh điện với thương hiệu Selax).
Trong những năm gần đây, Công ty đã quan tâm đến việc áp dụng các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất. Từ đầu năm 2019, Công ty áp dụng công cụ 5S, đến nửa cuối năm áp dụng công cụ TPM. Đây là một lộ trình thuận lợi bởi việc áp dụng 5S giúp hỗ trợ rất lớn cho các công cụ quản lý năng suất chất lượng hiệu quả hơn.
Thời gian hiệu chỉnh 2 mã sản phẩm đã được rút ngắn. Mỗi lần chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm này sang sản phẩm khác (thời gian trước mất khoảng 2-3 lần chuyển đổi mới ra được đúng màu theo yêu cầu, thì đến nay đã giảm xuống còn 1-2 lần), thời gian vệ sinh thiết bị được tiêu chuẩn hóa, loại bỏ các thao tác thừa, loại bỏ quãng đường vận chuyển hiệu chỉnh màu không cần thiết, bổ sung công cụ dụng cụ thuận tiện cho thao tác của công nhân. Với những nỗ lực đó, chỉ số đo mức độ hiệu quả của TPM (OEE) của Công ty đã tăng từ 36% trong tháng 8 lên 40% trong tháng 11.
Các DN tại Hải Phòng luôn chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tham gia các chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia về năng suất và chất lượng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN; đánh giá hợp chuẩn - hợp quy cho các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực. Đồng thời, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường, quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO14000, ISO 9001-2008, ISO 22000, HACCP, TQM, GMP, GAP…; các công cụ quản lý tiên tiến như 5S, KAIZEN, QCC, SA8000…
Các hoạt động cải tiến tại Sơn Hải Phòng số 2 nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Công ty. Công ty tổ chức đánh giá 5S định kỳ hàng tháng và đánh giá cải tiến sau khi kết thúc chương trình thí điểm TPM. Ban đánh giá cải tiến bao gồm các thành viên: Tổng giám đốc, Giám đốc sản xuất, Giám đốc kỹ thuật và Trưởng bộ phận cơ điện để đánh giá cho điểm và khen thưởng với các đề tài cải tiến…
Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, UBND TP. Hải Phòng đã đề ra các nhiệm vụ sau:
Một là, thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực của Thành phố. Trong đó, tập trung tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức về năng suất, chất lượng; Tổ chức các hội nghị, hội thảo để quảng bá và cập nhật thông tin, kiến thức về mô hình, giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực của Thành phố; Tổ chức các lớp bồi dưỡng về quản lý năng suất và chất lượng cho cán bộ chuyên trách các sở, ban, ngành và DN; Hướng dẫn, hỗ trợ các DN sản xuất các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực xây dựng dự án năng suất và chất lượng để tham gia Chương trình quốc gia và Thành phố…
Hai là, hỗ trợ các DN sản xuất các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực nâng cao năng suất và chất lượng như: Hỗ trợ DN đầu tư đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ; Thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất; Xây dựng và nâng cấp phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm; Xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, khuyến khích DN đánh giá hợp chuẩn - hợp quy cho các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực; Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường, quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO14000, ISO 9001- 2008, ISO 22000, HACCP, TQM, GMP, GAP…; các công cụ quản lý tiên tiến như 5S, KAIZEN, QCC, SA8000…