Điều gì chờ đợi Mỹ và Trung Quốc tại vòng đàm phán thương mại kế tiếp?
Lời đe dọa tăng mức thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump là dấu hiệu cho thấy vòng đàm phán thương mại giữa hai quốc gia này “có thể đã vấp phải điểm nghẽn”, ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Thông qua một dòng tweet đăng hôm Chủ nhật, Tổng thống Trump nói sẽ tăng mức thuế quan áp trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào thứ Sáu tuần này. Ngoài ra, ông Trump cũng doạ sẽ “sớm” áp thuế bổ sung 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Sau dòng tweet của ông Trump, thị trường chứng khoán châu Á và giá dầu thế giới cùng lao dốc mạnh trong phiên sáng thứ Hai. Shanghai Composite (Trung Quốc) chốt phiên mất gần 6%. Hang Seng Index (Hong Kong) giảm gần 3%. Đồng CNY lao dốc so với USD. Thị trường Pháp và Đức mở cửa chiều nay cũng đang đi xuống.
Theo tờ New York Times, động thái của ông Trump được cho là để gây sức ép lên Trung Quốc, buộc nước này thống nhất về thỏa thuận thương mại cuối cùng ngay trong tuần này. Dù vậy, theo ông Chua Hak Bin - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Maybank Kim Eng Research, tuyên bố của tổng thống Mỹ có thể khiến tình hình tệ hơn, vì Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn đàm phán trong thế bị chĩa súng vào đầu.
Trong một báo cáo công bố hôm Chủ nhật được hãng tin CNBC trích dẫn, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, xác suất để cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng đi đến một thỏa thuận chung đã giảm xuống. Song, việc nâng thuế quan là điều có thể tránh được, với điều kiện phái đoàn Trung Quốc đến Washington để tham dự vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra trong tuần này.
Nhận xét về nước cờ mới nhất của tổng thống Trump, các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cho biết: “Đây là một sự đảo ngược so với những tuyên bố lạc quan đã được giới chức Mỹ đưa ra trong những tuần vừa qua, và cho thấy xác suất cả hai bên thành công đi đến một thỏa thuận ngắn hạn là thấp hơn so với những biểu hiện gần đây”.
Vài tuần trở lại đây, giới chức Mỹ đều phát đi tuyên bố rằng tiến trình đàm phán thương mại đang diễn ra tốt đẹp; thậm chí, có nguồn tin còn tiết lộ với CNBC về việc một thỏa thuận có khả năng sẽ được ký kết trước thứ Sáu tuần này. Tuy nhiên, những điểm vướng mắc lớn vẫn chưa được tháo gỡ, như tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ hay bất đồng xung quanh việc có nên giữ lại hàng rào thuế quan để đảm bảo Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết của mình hay không.
Dẫu vậy, Goldman Sachs vẫn đặt niềm tin vào việc Washington và Bắc Kinh đi đến một thỏa thuận chung. Đồng thời, ngân hàng này cũng cho biết, kịch bản ký kết thoả thuận vẫn dễ xảy ra hơn “một chút” so với kịch bản tăng thuế. Hiện tại, xác suất ông Trump tăng mức thuế quan vào cuối tuần này, theo các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs, là 40%.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, giới đầu tư sẽ có một tín hiệu rất rõ ràng để theo dõi tình hình. “Tín hiệu trong ngắn hạn quan trọng nhất sẽ là việc phái đoàn Trung Quốc có đến Washington vào ngày 8/5 như đã định hay không. Nếu có, thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy họ vẫn tin có thể tiến tới thỏa thuận với Mỹ”, Goldman Sachs nói.
Nếu chuyến viếng thăm sắp tới bị hủy, thì việc tiến tới một thỏa thuận chung trong tuần này sẽ rất khó xảy ra. Và, với một kịch bản như vậy, việc nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% sẽ trở thành kịch bản chính.
Nếu vòng đàm phán tiếp theo thật sự diễn ra đúng như kế hoạch, thì mức thuế quan sẽ tăng lên chỉ khi hai bên không đạt được một thỏa thuận chung trước ngày thứ Năm (9/5).
Được biết, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ tới Washington vào ngày thứ Tư, cùng một phái đoàn khoảng 100 quan chức cho vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ. Tuy nhiên, CNBC dẫn hai nguồn tin cho biết, phía Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc kế hoạch này.
Trước động thái này, Goldman Sachs cảnh báo, đây có thể là dấu hiệu của một cuộc chiến thương mại kéo dài. “Nếu chuyến viếng thăm sắp tới bị hủy, thì việc tiến tới một thỏa thuận chung trong tuần này sẽ rất khó xảy ra. Và, với một kịch bản như vậy, việc nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% sẽ trở thành kịch bản chính”.
Theo báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Mỹ đã nhập khẩu số hàng hoá tương đương 539,5 tỷ USD từ Trung Quốc, và chịu mức thâm hụt thương mại trong năm 2018 lên tới 419,2 tỷ USD. Và, nếu ông Trump thực hiện đúng những gì đã cảnh báo, gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, không ít thì nhiều, sẽ phải đối mặt với việc bị đánh thuế. Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn cho đôi bên, nếu tiến trình đàm phán tiến triển thuận lợi”, Goldman Sachs nói.
Trên lý thuyết, Trung Quốc vẫn có thể đánh thuế đáp trả Mỹ; song, quy mô nhập khẩu của nước này nhỏ hơn, khiến khả năng trả đũa cũng bị hạn chế. Theo Bloomberg Economics, mức thuế như hiện tại sẽ khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc mất 0,5% trong năm nay. Nếu mức thuế quan tăng lên 25%, tăng trưởng sẽ mất 0,9%, và nếu toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ bị đánh thuế, con số này sẽ là 1,5%.