Điều gì đã khiến giá vàng thế giới tăng mạnh tuần vừa qua?
Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và mối lo về một cuộc chiến tranh thương mại là hai nhân tố chủ chốt chi phối thị trường vàng thế giới tuần qua. Theo các nhà phân tích, tính chung cả tuần, giá kim loại quý này tăng 2,8%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2016.
Trong phiên giao dịch đầu tuần trước (ngày 19/3), giá vàng đi lên ngay trước thềm cuộc họp chính sách của Fed diễn ra trong hai ngày từ 20-21/3. Giá vàng khá nhạy cảm với chính sách tiền tệ của Mỹ, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, đồng thời làm đồng USD tăng giá - nhân tố khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Theo giới đầu tư, Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này có đánh đi tín hiệu cho bốn đợt nâng lãi suất trong năm nay, thay vì ba đợt như dự đoán được đưa ra trong cuộc họp tháng 12/2017 hay không. Ông Mark To, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Wing Fung ở Hong Kong (Trung Quốc), nhận định rằng đà phục hồi kinh tế nhìn chung đủ tốt để Fed cân nhắc một lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn.
Sau khi đi xuống trong phiên giao dịch ngày 20/3 do sự mạnh lên của đồng USD, giá vàng tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 21/3 giữa lúc Fed quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản, lên 1,5-1,75%, mức cao nhất trong một thập niên. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed trong năm 2018, dựa trên triển vọng tăng trưởng vững mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Đồng USD đi xuống sau khi Fed đánh đi tín hiệu về khả năng tăng lãi suất thêm ít nhất hai lần nữa trong năm 2018 - số đợt nâng lãi suất ít hơn kỳ vọng của thị trường và đây chính là nhân tố đẩy vàng lên giá. Trước đó, giới phân tích nhận định Fed sẽ có bốn lần nâng lãi suất trong năm nay.
Sang phiên giao dịch ngày 22/3, giá vàng thế giới biến động trái chiều, khi giá vàng giao ngay đi xuống, còn giá vàng kỳ hạn lại tăng. Đến phiên cuối tuần (23/3), giá vàng vọt lên mức cao nhất trong một tháng, giữa bối cảnh mối lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào vàng như một tài sản an toàn.
Tại Mỹ, giá vàng giao ngay có thời điểm vọt lên 1.350,20 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 19/2. Trong khi đó, giá vàng giao tháng Tư tăng 22,50 USD (1,7%) lên 1.349,90 USD/ounce.
Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 60 tỷ USD. Mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết đang xem xét cân nhắc áp thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để "bù đắp" khoản thiệt hại do Washington gây ra. Theo các chuyên gia, giới đầu tư đang lo sợ chiến tranh thương mại có thể phát triển và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong một động thái căng thẳng khác, ngày 23/3 Tổng thống Trump đã ký ban hành thành luật dự luật chi tiêu trị giá 1.300 tỷ USD, cấp tiền cho Chính phủ đến hết ngày 30/9 và ngăn ngừa Chính phủ phải đóng cửa. Động thái diễn ra vài giờ sau khi ông Trump đe dọa sẽ phủ quyết dự luật này.
Theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, giá vàng vẫn sẽ dịch chuyển trong biên độ hẹp, trước những dấu hiệu mang tính xung đột: Nhận hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị, song vẫn chịu sức ép trước đà tăng trưởng mạnh hơn của kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, George Milling-Stanley, chiến lược gia tại State Street Global Advisors dự báo giá vàng có thể tăng lên 1.350 - 1.400 USD/ounce trong thời gian tới.