Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại sáng ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong 9 tháng qua là rất tích cực, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.
Thời gian qua kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo; Trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động rất nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm 2020-2021...
Trong bối cảnh đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực, đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm... Trong kết quả đó, có đóng góp rất lớn của ngành Ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngành Ngân hàng đã thực hiện rất tốt và đồng thời 2 nhiệm vụ: vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Ngành Ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua.
Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và ban hành kịp thời đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai; thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến cho từng ngân hàng thương mại để triển khai chương trình.
Đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15 nghìn tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 13 nghìn tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi trên 29 tỷ đồng. Hiện NHNN đang triển khai các đoàn công tác liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số địa phương...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tích cực thực hiện giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đến ngày 25/9/2022 đã đạt hơn 10,4 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 7 nghìn tỷ đồng, với khoảng 150 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; phần còn lại là các chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính; cho vay nhà ở xã hội; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, những kết quả đạt được 9 tháng năm 2022 và thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân.
Theo đó, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định. Hệ thống ngân hàng bảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.
Hệ thống các ngân hàng thương mại đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính, tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng, riêng của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt trên 7 triệu tỷ đồng.
Trong những tháng cuối năm và thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục giám sát, điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển; triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ; cảnh báo rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh chuyển đổi số ngân hàng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Thủ tướng cũng đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ đã đượcThủ tướng giao trên tinh thần nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Đối với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch. Hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Phát triển mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng...