Điều hành giá bám sát theo kịch bản đã đề ra
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương điều hành giá bám sát theo đúng kịch bản đã đề ra. Nhờ đó, giá cả thị trường cơ bản ổn định, ước cả năm Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3,5%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,5%).
Theo Bộ Tài chính, trong năm qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Giá mới (thay thế Luật Giá năm 2012).
Thực hiện Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 và Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 26/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thi hành Luật Giá, Bộ Tài chính tập trung xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Giá.
Trước biến động tăng giá mạnh của các mặt hàng chiến lược (dầu, than...) trên thị trường thế giới, gây áp lực lên lạm phát trong nước, Bộ Tài chính đã thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo giá về tình hình và các giải pháp điều hành; thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các chỉ thị, thông báo.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời tham mưu đề xuất và tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường thế giới, rút ngắn chu kỳ điều hành xuống còn 01 tuần.
Theo thống kê, đến ngày 25/12/2023, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện 36 kỳ điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, trong đó giá các mặt hàng xăng E5RON92 có 14 lần giảm, 4 lần giữ ổn định, 18 lần tăng; xăng RON95 có 14 lần giảm, 4 lần giữ ổn định, 18 lần tăng; dầu diesel (DO) có 18 lần giảm, 01 lần giữ ổn định, 17 lần tăng; dầu hỏa có 18 lần giảm, 01 lần giữ ổn định, 17 lần tăng; dầu madut (FO) có 16 lần giảm, 01 lần giữ ổn định, 19 lần tăng).
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, có biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đến giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo điều hành giá các dịch vụ giáo dục, y tế cơ bản giữ ổn định như năm trước...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nên công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 đã bám sát theo đúng kịch bản đã đề ra. Ước cả năm CPI tăng khoảng 3,5%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,5%).