Điều hành linh hoạt, công khai giá các mặt hàng thiết yếu
(Tài chính) Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Luật Giá và công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá (BOG) một số mặt hàng thiết yếu 10 tháng đầu năm 2013.
Báo cáo tập trung vào nội dung quản lý và BOG các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân như: xăng dầu, điện, khí dầu mỏ hóa lỏng (ga), phân đạm, phân NPK, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh…
Nhiều yếu tố giảm sức ép mặt bằng giá
Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 10/2013 tăng 0,49% so với tháng 9/2013 và tăng 5,14% so với tháng 12/2012. So với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ các năm kể từ năm 2004 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2013 có mức tăng thấp nhất, ngoại trừ năm 2009. So với tháng 10/2012, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2013 tăng 5,92%. Chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2013 tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2012.
Bộ Tài chính cho biết, mặt bằng giá 10 tháng đầu năm tăng chủ yếu do giá một số mặt hàng tăng trong dịp Lễ, Tết do nhu cầu tăng theo quy luật hàng năm; tình hình thời tiết khí hậu mưa bão, lũ, lụt, triều cường... khiến giá lương thực, thực phẩm (rau, củ, quả) tăng tại một số địa phương; việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước và tăng học phí các cấp học tại một số địa phương tác động làm chỉ số giá nhóm y tế, giáo dục tăng cao; giá xăng dầu, giá LPG được điều chỉnh tăng một số đợt theo diễn biến giá thế giới...
Bên cạnh đó, có khá nhiều yếu tố làm giảm sức ép lên mặt bằng giá 10 tháng đầu năm như giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới như gạo, đường, sắt thép, phân bón, ngô, phôi thép… không có biến động mạnh; trong nước, cung về hàng hóa dịch vụ cơ bản được bảo đảm trong khi tổng cầu và sức mua của nền kinh tế tăng trưởng còn yếu.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá 10 tháng đầu năm 2013.
“Những giải pháp tổng thể đó là nguyên nhân quan trọng giúp bình ổn thị trường, giá cả và giữ chỉ số giá tiêu dùng cả nước dịp tết Quý Tỵ và 10 tháng đầu năm 2013 tăng thấp, tạo đà thực hiện mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2013 theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ”, Bộ Tài chính nhận định.
Hàng hóa thiết yếu có tăng, có giảm
Về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, giá bán điện bình quân được giữ ổn định trong 7 tháng đầu năm 2013. Từ 1/8/2013, trên cơ sở đề nghị của EVN và sau khi rà soát, tính toán biến động các thông số đầu vào cơ bản, theo thẩm quyền Bộ Công Thương đã đồng ý điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân 5% (lên mức 1.508,85 đồng/kwh) so với mức áp dụng từ 22/12/2012 (1.437 đồng/kwh). Riêng đối với giá điện cho mục đích sinh hoạt, giá bán lẻ điện 50kwh đầu tiên cho hộ nghèo và thu nhập thấp tiếp tục được giữ ổn định ở mức 993 đồng/kWh và các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định vẫn được Nhà nước hỗ trợ giá điện là 30.000 đồng/hộ/tháng.
Trong 10 tháng đầu năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm có xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã được giữ ổn định trong 8 lần điều hành do kết hợp hài hòa việc tăng/giảm mức sử dụng Quỹ BOG xăng dầu và/hoặc giảm thuế nhập khẩu và/hoặc giảm lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở. Giá bán xăng dầu trong nước cũng đã được điều chỉnh tăng 4 lần (trong đó có 3 lần tăng ở mức độ kiềm chế do kết hợp với việc sử dụng Quỹ BOG và yêu cầu doanh nghiệp không tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở). Khi giá xăng dầu thế giới giảm, Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã kịp thời yêu cầu các doanh nghiệp 6 lần giảm giá bán xăng dầu.
Đặc biệt, từ đầu tháng 7/2013, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để người dân biết, giám sát.
Thời gian tới, Liên Bộ Tài chính, Công Thương tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thông qua công cụ thuế, Quỹ BOG bám sát mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho năm 2013.
Tương tự, giá LPG (gas) cũng được điều hành linh hoạt có tăng, có giảm theo sát giá thế giới. Mặc dù giá LPG do doanh nghiệp tự quyết định nhưng trước khi định giá, điều chỉnh giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh LPG phải thực hiện kê khai giá. Hiện nay, các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký giá và kê khai giá theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2013, giá các mặt hàng phân bón (phân đạm, phân NPK), thuốc bảo vệ thực vật cơ bản bình ổn do nguồn cung trong nước (phân đạm) được bảo đảm và giá thị trường thế giới không có nhiều biến động. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, giá cả cũng được tăng cường. 6 tháng đầu năm 2013 lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra đã xử lý trên 90 vụ vi phạm, tổng số tiền thu phạt gần 3 tỷ đồng (hành vi vi phạm chủ yếu là hàng kém chất lượng, vi phạm về giá và ghi nhãn). Các hành vi gian lận về niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết khi kiểm tra phát hiện đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Giá thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, diễn biến 10 tháng đầu năm 2013 cơ bản ổn định, một số ít thuốc nội và ngoại có biến động tăng/giảm giá với biên độ hẹp; thuốc cung ứng vào các cơ sở y tế công lập với chất lượng và giá cả hợp lý. Nguồn cung ứng thuốc vẫn đảm bảo, đủ đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân.
Triển khai nghiêm Luật Giá
Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Luật Giá, có hiệu lực từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính cho biết, sau khi Luật Giá được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá; Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn các Nghị định nêu trên.
Về triển khai thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định của Luật Giá, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nghiêm túc quy định về đăng ký giá, kê khai giá. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-BTC về Quy trình đăng ký giá, kê khai giá tại Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính và tại Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá.
Theo Luật Giá, quy định về đăng ký giá đã có sự thay đổi. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục BOG chỉ phải thực hiện đăng ký giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp BOG. Để triển khai công tác đăng ký giá, kê khai giá theo quy định của Luật Giá, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định của Luật.