Định hướng Đề xuất sửa đổi 5 Luật thuế: Tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, phản hồi

PV.

Theo Bộ Tài chính, các đề xuất về tăng thuế vừa qua đều đã được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, hiện đang trong thời gian lấy ý kiến, nên Bộ Tài chính sẽ vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để có phản hồi, lập luận rõ ràng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhận định về vấn đề này, GS.TS. Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, việc Bộ Tài chính xây dựng chính sách, trong đó có đề xuất tăng một số mức thuế nhưng cũng có cả giảm một số mức thuế và sửa nội dung một số luật thuế. Như vậy, Bộ Tài chính đã có sự cân nhắc kỹ và đã tính đến các phương án tác động đến các đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, còn có nhiều đề xuất khác về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ; Ưu đãi đối với các dự án đầu tư tại Khu kinh tế; Ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ; Bổ sung ưu đãi thuế đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Bổ sung ưu đãi thuế đối với thu nhập của tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận...

Hơn nữa, việc Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi các tổ chức và nhân dân qua nhiều phương thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy sự minh bạch, cầu thị của Bộ Tài chính trong phạm vi chức trách của mình. Để hoàn thiện hơn nữa việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế, Bộ Tài chính nên tiếp tục cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng hơn nữa các tác động của việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế, đặc biệt là đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Đồng thời, theo GS. Vũ Văn Hiền, việc sửa đổi, bổ sung 05 Luật thuế hiện hành theo đề xuất của Bộ Tài chính là nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Bộ Chính trị (Nghị quyết số 07-NQ/TW), Quốc hội (Nghị quyết số 25/2016/QH14) và Chiến lược Cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đề ra trên cơ sở cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đảm bảo tăng trưởng nguồn thu NSNN trong trung và dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, ngày 9/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đưa ra mục tiêu từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đồng thời, để đạt được mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đã đưa ra một số giải pháp như: Điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế; Điều chỉnh phạm vi, đối tượng nộp thuế; Rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế...

Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó yêu cầu tập trung cơ cấu lại nguồn thu; Hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế;

Tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...Ngày 06/6/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, theo đó dự án Luật này được giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật trong quý III/2017...

Tuy nhiên, thực tế thì hiện nay vẫn có những ý kiến trái chiều về các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế, trong đó có liên quan đến Luật Thuế GTGT, theo GS. Vũ Văn Hiền đó là điều tất nhiên. Vì trong thực tế, một chính sách có thể có tác động nhiều chiều, có những chính sách có hai mặt – được và mất đối với những nhóm đối tượng chịu thuế khác nhau.

Đồng tình với vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, việc Bộ Tài chính phải tăng thuế để cân đối lại nguồn thu do thuế xuất - nhập khẩu giảm là khó tránh. Ông cũng bày tỏ hy vọng Bộ Tài chính rút kinh nghiệm cho các đề xuất chính sách về sau, nghiên cứu đầy đủ, có đánh giá rõ ràng thì phải công khai ra cho người dân biết để góp ý.
Ngoài ra, khi nhà nước đã chi tiêu ngân sách tiết kiệm, không phải chi thường xuyên chiếm tới 72-73% tổng chi như hiện nay, đầu tư hiệu quả, chống thất thu, nhưng ngân sách vẫn khó khăn, việc phải tăng thuế khi đó sẽ được người dân dễ chấp nhận hơn.

Theo TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển , Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập, thuế xuất - nhập khẩu giảm, nhiều dòng thuế thậm chí về 0%. Đây là lý do khiến các quốc gia có xu hướng tăng thuế nội địa để bù đắp ngân sách.

Do vậy, đề xuất tăng thuế nội địa của Bộ Tài chính là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tăng thuế cần có nghiên cứu rõ ràng, đánh giá cụ thể, vì sao lại chọn lĩnh vực này, hàng hóa kia để tăng thuế và lộ trình cụ thể thế nào để người dân có thể chấp nhận.

Bộ Tài chính cũng đã cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước và nhận thấy, khi nợ công tăng cao, các nước có xu hướng cơ cấu lại nguồn thu, tăng thu nội địa và các dòng thuế gián thu. Lạm phát của Việt Nam trong tương lai vẫn dự báo ở mức thấp, nên năm 2019 là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế.

Hiện Bộ Tài chính cho biết đã xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên. Dự thảo sửa đổi, bổ sung dự kiến trình Chính phủ trong quý III/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.